Chúng tôi biết đến Thượng tá, Tiến sỹ Lê Văn Trường – Chủ nhiệm khoa Chẩn đoán và can thiệp tim mạch, Viện Tim mạch – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trong dịp lễ tổng kết năm. Một người hết lòng vì người bệnh, vì công việc. Ngoài 40 tuổi, anh đã có nhiều công sức cống hiến cho những nghiên cứu khoa học hữu ích cho khoa nói riêng và bệnh viện nói chung.
Sinh ra tại Bắc Giang, vùng đất đã đi vào thi ca với sông Lục – núi Huyền, tuổi thơ của Tiến sĩ Lê Văn Trường gắn với hình ảnh quê nghèo và sự tảo tần sớm hôm của cha mẹ. Những năm tháng cắp sách đến trường cũng là lúc đất nước vừa đi qua cuộc chiến tranh vệ quốc, cuộc sống còn vô vàn khó khăn, thiếu thốn, song được đến trường là niềm hạnh phúc đối với cậu bé Trường.
17 tuổi, tốt nghiệp phổ thông, Lê Văn Trường quyết định dự thi vào Học viện Quân y, với suy nghĩ vừa đỡ một mối lo về kinh tế cho gia đình lại vừa có việc làm khi ra trường. Nhận giấy báo trúng tuyển, anh chính thức trở thành một chiến sĩ – học viên chuyên ngành bác sĩ dài hạn khóa 21 hệ Đại học của Học viện Quân Y (1986-1992).
Năm 1988, với những thành tích trong học tập và huấn luyện, anh vinh dự được kết nạp Đảng.
6 năm đèn sách, tốt nghiệp Bác sĩ đa khoa và nội trú ngoại, Trung úy Lê Văn Trường được điều về công tác tại Khoa nội truyền nhiễm Viện Quân Y 108 (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội
108). Đầu năm 1994, anh được tổ chức điều chuyển công tác về Khoa phẩu thuật lồng ngực và tim mạch. Có cơ hội tiếp xúc với những bệnh nhân tim mạch, với “một vấn đề thời đại” là bệnh tim mạch gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam và thế giới, bác sĩ trẻ Lê Văn Trường nhận thấy đây là cơ hội học hỏi và phát triển nên quyết tâm gắn bó lâu dài.
Theo dòng chảy của sự phát triển, đầu năm 1995 Viện Quân y 108 được Chính phủ và Bộ Quốc phòng đầu tư trang bị một chiếc máy chụp mạch máu kỹ thuật số (máy DSA) để phục vụ các bệnh nhân tim mạch của quân đội. Đây là chiếc máy duy nhất và hiện đại nhất Việt Nam ở vào thời điểm đó, có tính năng chụp hình hệ thống mạch máu toàn thân. Bác sĩ trẻ Lê Văn Trường được giao nhiệm vụ sử dụng máy và thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán X quang mạch máu đồng thời định hướng kỹ thuật can thiệp mạch máu bằng ống thông. Đối với một bác sĩ trẻ như anh, việc tiếp quản một chiếc máy mới thuộc một lĩnh vực hoàn toàn mới quả thật hết sức khó khăn. Anh nhớ lại: “Thời điểm đó, công nghệ thông tin chưa phát triển, tài liệu tham khảo rất hiếm nên việc tìm hiểu và khai thác hết các tính năng của máy DSA tựa như giải một bài toán hóc búa và lạ lẫm”. Vừa mày mò tự học, anh may mắn được làm việc trực tiếp với các giáo sư đầu ngành của Viện Tim mạch quốc gia được bệnh viện mời sang giúp đỡ khai thác và sử dụng máy. Tiếng là khai thác các tính năng, nhưng hai năm đầu hầu như chiếc máy mới vẫn chỉ sử dụng các kỹ thuật cổ điển mà chưa phát huy được những tính năng ưu việt của nó. Những khó khăn buổi ban đầu ấy không làm nản chí người bác sĩ trẻ mà trái lại còn là động lực khích lệ anh vươn lên. Được sự giúp đỡ của các giáo sư và đồng nghiệp ở Viện Tim mạch Quốc gia cùng các chuyên gia Pháp, năm 1997 anh xin đi học (tự túc) 6 tháng ở Cộng hòa Pháp, trong đó 5 tháng học ngoại khoa Tim mạch và 1 tháng học kỹ thuật chẩn đoán và can thiệp mạch trên máy DSA. Với khoảng thời gian ít ỏi đó, anh đã tận dụng mọi cơ hội để lĩnh hội những kiến thức khoa học mới cho lĩnh vực mà anh đang theo đuổi.
Càng đi sâu nghiên cứu anh càng hứng thú với những kỹ thuật hiện đại. Mặc dù đây là một lĩnh vực mới mẻ nhưng lại có tính ứng dụng cao trong y học. Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển ngành chẩn đoán và can thiệp các bệnh lý về mạch máu trên máy DSA, anh quyết định từ bỏ ngoại khoa để “khai mở” con đường mới. Vừa công tác, anh tiếp tục học thêm các kỹ thuật mới về can thiệp mạch máu ở ổ bụng, mạch ngoại vi, mạch thần kinh, kỹ thuật điều trị bệnh u xơ tử cung ở phụ nữ không cần phẫu thuật của các giáo sư đầu ngành của Viện Tim mạch Quốc gia. Theo đó, các kỹ thuật can thiệp qua da bằng ống thông được triển khai nhanh chóng, thể hiện tính ưu việt rõ rệt và mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân. Quả thực, chính những thử thách đó tạo nên thành công ở Lê Văn Trường.
Luôn lấy sự học làm đầu, năm 2002, anh làm nghiên cứu sinh tại Học viện Quân Y, rồi đi tu nghiệp tại Hàn Quốc 2 tháng để học về điều trị can thiệp mạch máu não. Năm 2006, công trình khoa học “Điều trị ung thư gan bằng hút mạch hóa chất” của anh được Hội đồng chấm luận án đánh giá cao, anh nhận học vị Tiến sĩ. Cùng năm này, anh được lãnh đạo bệnh viện bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Khoa Can thiệp Tim mạch, khi đó anh mới 37 tuổi. Một tư duy thông minh, sáng tạo, một trái tim nhiệt huyết tuổi trẻ đã rèn luyện cho anh một ý chí quyết tâm, không ngại gian khó. Dũng cảm theo đuổi lĩnh vực mới dù tại thời điểm đó chưa nhìn thấy tương lai, song có thể khẳng định con đường anh đã lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn. Cùng với sự phát triển như vũ bão