Có một người phụ nữa khuyết tật nhưng lại mang một tinh thần thép. Chị đã đi khắp nơi để học cách giúp người khuyết tật sống đúng như một người bình thường. Tuy đôi chân chị rất yếu và gần như không thể cử động. Nhưng ý chí và nghị lực đã chính là đôi chân tinh thần đưa chị chạm tay đến những ước mơ, những khát vọng của đời mình. Người phụ nữ đó chính là Thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến -Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và phát triển ( DRD).
Chị đã biến sự bất hạnh của đời mình thành động lực để học tập và vươn lên. Chị khẳng định sức mạnh tinh thần của những người khuyết tật chính là chìa khóa mở mọi cánh cửa trong cuộc đời. Người khuyết tật nhưng không có nghĩa là họ khuyết tật với mọi thứ, không có nghĩa là họ phải sống với khiếm khuyết và sợ hãi, mặc cảm cho rằng mình là gánh nặng của gia đình, xã hội. Người khuyết tật có thể sống vui vẻ, mạnh khỏe và làm mọi việc có ích trong khả năng của mình, chị Yến là người đã minh chứng điều đó.
Chị Võ Hoàng Yến tuy đã bước qua độ tuổi bốn mươi, nhưng gặp chị thì sẽ luôn thấy gương mặt rạng rỡ, nụ cười tươi sáng, một tinh thân lạc quan sống rất mãnh liệt. Chị đã tốt nghiệp hai bằng cử nhân kinh tế và sư phạm Anh văn; tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Phát triển Con người (ĐH Kansas, Mỹ 2004); là người điều hành chương trình Khuyết tật và phát triển từ năm 2005 ( Disability Resource and Development -DRD). Trong ký ức của chị, không bao giờ có thể quên cơn sốt bại liệt đã lấy mất ước mơ chạy nhảy, vui đùa trẻ thơ khi chị mới chập chững bước những bước đi đầu tiên. Suốt những năm tháng tuổi thơ, chị sống với đôi chân không lành lặn, chị đã từng bị bạn bè trêu trọc rất nhiều. Nhưng bằng tinh thần lạc quan, ham học hỏi, chị đã chọn công việc học thật giỏi để chứng minh rằng khuyết tật không có nghĩa là không làm được gì. Tốt nghiệp ĐH ngành kinh tế, chị cũng háo hức đi xin việc. Nhìn dáng đi không bình thường của Yến không ít người lắc đầu thương hại. Thậm chí có nhà tuyển dụng còn từ chối nhận chị chính vì khiếm khuyết ấy, mặc dù chị có đầy đủ nặng lực để đáp ứng công việc. Lúc đó chị đã buồn, đã khóc, đã nhiều đêm suy nghĩ trằn trọc. Nhưng bấy nhiêu thôi chưa đủ là nhụt ý chí của một người có nghị lực sống mạnh mẽ như chị. Nhận thấy những sự bất công khi người khuyết tật hòa nhập xã hội, chị đã ấp ủ ước mơ “làm cái gì đó” cho những người đồng cảnh ngộ, giúp họ có được cuộc sống đúng nghĩa nhất.
Vì vậy, chị đã luôn nỗ lực học tập, được đi du học nước ngoài, chị đã chọn chuyên ngành Phát triển Con người, một trong những chuyên ngành khó và mới tại thời điểm đó. Sau ba năm miệt mài học tập nơi đất khách quê người, đã bảo vệ thành công luận ấn với đề tài “Nâng cao kĩ năng cho sinh viên khuyết tật” và được mời báo cáo đề tài tại trụ sở chính của World Bank ở Washington D.C. Chị đã từ chối nhiều cơ hội làm việc và nghiên cứu tại nước ngoài để quay về Việt Nam thực hiện khát vọng được giúp đỡ người khuyết tật trong nước hòa nhập cuộc sống.
Năm 2005, chị đã đứng ra kêu gọi và thành lập Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD). Suốt những năm tháng qua, bằng tinh thần hăng say và hết lòng cho công việc, chị đã sáng lập và hoàn thiện hơn nữa dự án DRD. Đem đến cho người khuyết tật một nơi để chia sẻ, học hỏi, tâm sự và tím kiếm việc làm, sự hòa nhập với cộng đồng. Tạo dựng cho người khuyết tật một tinh thần lạc quan, vui sống để dần khẳng định được những tiềm năng mà người khuyết tật có thể tham gia vào đời sống xã hội. Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) là tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào ngày 03 tháng 12 năm 2005 dưới sự hỗ trợ ban đầu của Quỹ Ford. DRD hiện trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ( VUSTA). DRD đang nỗ lực từng ngày góp phần xây dựng một xã hội công bằng và không có rào cản cho người khuyết tật.
Đến này, bên cạnh hoạt động tư vấn, trang bị kỹ năng sống, đồng hành người khuyết tật để hướng đến sự độc lập, tự tin, biết cách lập ra kế hoạch cuộc đời và làm chủ cuộc sống; dự án DRD của chị còn dạy nghề, giới thiệu việc làm cho hàng trăm người khuyết tật. Và khi thực hiện, những hoạt động mà chị đã ấp ủ đã nhận được sự đồng hành của rất nhiều người. Chị nhận ra được một điều, khi người ta thực sự hiểu nhau, người ta mở lòng ra để chấp nhận sự khác biệt của nhau thì lúc đó cuộc đời thật đẹp. Chị nói, mỗi người có một cách tiếp cận để giải quyết vấn đề. Và chị chọn cách tiếp cận mang tính cộng đồng từ gốc của vấn đề có tính khoa học, giúp người khuyết tật có những kỹ năng xã hội thay đổi chính con người của mình, đồng thời muốn thay đổi toàn cảnh xung quanh.
Trong suốt thời gian qua, chị đã không ngừng học hỏi, vươn lên để có được sự sáng tạo, sáng kiến để giúp đỡ cộng đồng người khuyết tật. Chị đã nhận được học bổng Tiến sĩ của Chính phủ Úc tại Trường Đại học La Trobe ( 2014-2018) và học bổng Lãnh đạo của Chính phủ Úc (2014). Hiện nay, chị đang là Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD); Phó Giám đốc Trung tâm thực hành công tác xã hội, Khoa XHH và CTXH, ĐH Mở Tp.HCM (2006); Ủy viên thường vụ Liên hiệp Hội về Người khuyết tật Việt Nam (VFD), Phó Ban giáo dục và đào tạo ( 2011-2015).
Bằng những nỗ lực phấn đầu không ngừng nghỉ, chị đã từng bước phát triển Trung tâm và gắn kết được nhiều hơn nữa những người khuyết tật với cuộc sống cộng đồng. Năm 2009, chị đã vinh dự được nhận giải thưởng Kazuo Itoga Memorial của Châu Á – Thái Bình Dương. Năm 2010, Tổng thống Mỹ đã trao tặng cho chị giải thưởng Kêu gọi phục vụ cộng đồng. Và gần đây nhất, năm 2013, chị là một trong những gương mặt tiêu biểu được Tôn vinh nghị lực Việt.
Tất cả những việc làm và sự cố gắng, phấn đầu của chị đã và đang được đền đáp xứng đáng. Chị đã trở thành người đưa bài ca “Khát vọng” đến với những người khuyết tật. Truyền cho họ sự sống mãnh liệt, xua tan đi nỗi tự ti vì những khiếm khuyết trên cơ thể, dần dần khẳng định được ý nghĩa cuộc sống của mình.
Võ Thị Hoàng yến là người đã viết nên câu chuyện cuộc đời tưởng như chỉ cho riêng mình, nhưng lại là cho cả một cộng đồng lớn. Chị đã chọn thái độ dũng cảm, dám đương đầu, quyết gtaam để sống và chiến đấu lại số phận. Dường như tâm hồn lãng mạn, vốn yêu thích nhạc của chị chính là một sức mạnh tinh thần giúp chị thêm vững vàng để sống đầy ý nghĩa như hôm nay. Mượn lời bài hát “Sống như những đóa hoa” của nhạc sĩ Tạ Quang Thắng để xin kết lại những cảm nhận của riêng tôi về chị, người phụ nữ đã viết nên câu chuyện cuộc đời mình rất kiên cường, mãnh liệt nhưng hết sức lãng mạn:
” Và tôi sống như đóa hoa này
Tỏa ngát hương thơm cho đời
Sống với nỗi khát khao rằng
Được hiến dâng cho cuộc đời
Hôm nay dẫu có gian nan
Thì ngày mai là ngày tươi sáng hơn
Tôi sẽ viết nên câu chuyện cuộc đời riêng tôi”….
THANH HUYỀN