Trong quá trình thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với 3 trụ cột chính là kinh tế số, chính phủ số và xã hội số, thực tế xã hội số đang dần hình thành các yếu tố về chuẩn mực đạo đức số, văn hóa số. Đồng thời, văn hóa với vị trí, vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực, mục tiêu của sự phát triển kinh tế – xã hội, là yếu tố dẫn dắt, thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia hiện nay. Trên cơ sở làm rõ nội hàm khái niệm văn hóa số, vai trò của văn hóa số trong chuyển đổi số, bài viết đề xuất một số giải pháp phát huy vai trò của văn hóa số nhằm thúc đẩy chuyển đổi số thành công.
1. Khái niệm văn hóa và văn hóa số
Về thuật ngữ, văn hóa trong chữ La tinh là “cultus” có nghĩa gốc là gieo trồng, cày vỡ, vun xới. Với sự phát triển của xã hội, thuật ngữ này đã được bổ sung trong đó có nghĩa nói về tính có học vấn, có giáo dục, sự mở mang trí tuệ của con người… Trong tiếng Việt, thuật ngữ “văn hóa” có nhiều nghĩa: những phong cách ứng xử giữa các cá nhân mà phù hợp với các chuẩn mực, giá trị của xã hội; những người có học thức, văn hóa được hiểu như là trình độ học vấn.
UNESCO định nghĩa văn hóa là tập hợp các đặc trưng tiêu biểu về tinh thần, vật chất, tri thức và xúc cảm của xã hội hoặc một nhóm người trong xã hội; văn hóa không chỉ bao gồm văn học và nghệ thuật, mà còn cả phong cách sống, phương thức chung sống, các hệ giá trị, truyền thống và niềm tin (UNESCO, 2001).
Hồ Chí Minh định nghĩa văn hóa: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”..
Như vậy, các khái niệm về văn hóa đều thống nhất ở 3 điểm: Văn hóa là sản phẩm do con người sáng tạo ra nhằm phục vụ cho nhu cầu và lợi ích của con người; Chính hoạt động của con người là yếu tố cơ bản thúc đẩy sự phát triển của văn hóa; Văn hóa là thước đo trình độ phát triển của mỗi dân tộc.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã xác định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.
Văn hóa số, theo quan niệm đơn giản nhất là mối quan hệ giữa con người và việc sử dụng công nghệ. Nó mô tả cách các phương tiện truyền thông và công nghệ kỹ thuật số đã định hình cuộc sống hàng ngày và sự tương tác của chúng với xã hội, con người và công việc.
Theo Cẩm nang Chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông, văn hóa trong xã hội loài người được hình thành trong thời gian dài, qua hàng trăm năm, hàng nghìn năm; trong khi xã hội số là vấn đề rất mới, đang hình thành trong thời gian gần đây. Vì vậy, văn hóa số cũng đang hình thành và có thể hiểu văn hóa số là các quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức của con người trong môi trường số.
Văn hóa số còn được hiểu là cách mọi người tham gia vào các phương tiện và công nghệ kỹ thuật số trong cuộc sống hàng ngày của họ.
Từ các định nghĩa trên, có thể thống nhất văn hóa số là các quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức tập trung vào cách con người tương tác với công nghệ số trong công việc và cuộc sống của họ.
Chuyển đổi số là một xu hướng đang diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, trong quá trình chương trình, khi chuyển đổi số chuyển từ mô hình thí điểm sang áp dụng trên diện rộng thì thường gặp phải một trở ngại không lường trước là sự xung đột với những cách làm và thói quen cũ. Chuyển đổi số không đơn thuần là việc đưa công nghệ số vào các hoạt động truyền thống mà còn là sự đổi mới các quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức thể hiện qua cách nghĩ, cách làm, sự tương tác, thói quen tương tác với công nghệ số trong công việc và cuộc sống. Tất cả những yếu tố đó đều thuộc phạm trù văn hóa.
Văn hóa số không phải là thứ gì đó xa lạ, mà văn hóa số nằm trong mỗi con người, trong chính tiềm năng sáng tạo, trình độ, đạo đức, lối sống, ứng xử của mỗi con người trong môi trường số. Sự phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh chuyển đổi số phụ thuộc nhiều vào những giá trị văn hóa số được phát huy trong mỗi con người. Hàm lượng văn hóa số được phát huy trong các lĩnh vực của xã hội số càng cao bao nhiêu thì khả năng thúc đẩy chuyển đổi số càng hiện thực và bền vững bấy nhiêu. Việc áp đặt một cách cứng nhắc những thành tựu công nghệ số vào tất cả các mặt hoạt động của đời sống xã hội mà không tính đến sự thay đổi các yếu tố về tư duy, cách làm, thói quen sẽ là rào cản lớn để hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.
Các quốc gia cần nhận thức rõ chuyển đổi số là quá trình biến đổi xã hội từ vi mô đến vĩ mô, mang tầm chiến lược. Giống như bất kỳ sự biến đổi lớn nào, chuyển đổi số đòi hỏi phải thấm nhuần những quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức của một nền văn hóa sẵn sàng tiếp nhận sự thay đổi theo hướng tiến bộ, đồng thời sẵn sàng cống hiến cho chiến lược phát triển tổng thể của đất nước. Chuyển đổi số giúp thay đổi nhận thức và ngược lại, muốn chuyển đổi số thành công cần phải tập trung vào “chuyển đổi nhận thức”. Muốn thay đổi nhận thức, các tổ chức, các địa phương cần xây dựng một môi trường văn hóa số.
2. Vai trò của văn hóa số đối với chuyển đổi số
Văn hóa số là sự tương tác và ứng xử của con người đối với công nghệ trong công việc và cuộc sống. Thực tế cho thấy, dù có công nghệ hiện đại cũng không thể giúp các tổ chức, các địa phương phát triển vượt trội nếu các cá nhân trong đó không áp dụng công nghệ vào quá trình xử lý công việc. Việc xây dựng môi trường văn hóa số trong tổ chức và ở các địa phương không đơn thuần chỉ cung cấp những phương tiện kỹ thuật số hiện đại mà quan trọng là việc tạo động lực và tư duy để mọi thành viên, người dân cảm thấy sự cần thiết phải tích hợp công nghệ mới vào công việc truyền thống nhằm tăng hiệu suất. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, văn hóa số là động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số theo những khía cạnh như sau:
Một là, văn hóa số bao gồm các quy tắc ứng xử, giá trị, chuẩn mực, tập hợp các hành vi mang tính chất xác định, hướng dẫn cách thực hiện mọi việc. Trong môi trường văn hóa số, vai trò của các cá nhân được xác định rõ ràng, các công việc được mô tả chi tiết về yêu cầu, đòi hỏi người đảm nhiệm phải thực hiện. Nền văn hóa số lành mạnh sẽ cung cấp những quy tắc ứng xử cụ thể, hướng dẫn các cá nhân hành động phù hợp với mong đợi của xã hội và đưa ra những lựa chọn nhằm thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu và chiến lược đề ra.
Hai là, trong văn hóa số, môi trường làm việc lý tưởng, sự kết nối, hợp tác và sự tự chủ thúc đẩy các cá nhân chủ động, tích cực trong công việc, mang lại hiệu suất cao hơn; đồng thời, những người lãnh đạo trong môi trường văn hóa số luôn nhất quán trong chỉ đạo và hành động, do đó, xây dựng được niềm tin cho các thành viên.
Ba là, trong văn hóa số, việc ủy quyền được coi trọng, kết quả công việc được đề cao hơn là việc kiểm soát cách làm, quá trình làm. Do đó mọi cá nhân chỉ cần quan tâm đến những nguyên tắc cơ bản, ngoài ra họ có thể thực hiện công việc được giao theo chính sự đánh giá và niềm tin của bản thân, từ đó, khuyến khích nâng cao khả năng ra quyết định và tự chịu trách nhiệm, mọi thành viên được trao quyền và tự chủ hơn trong công việc của mình.
Quá trình trên góp phần khuyến khích sự sáng tạo của cá nhân, có thể vượt qua những khuôn mẫu sẵn có, khuyến khích sự đổi mới, những trải nghiệm mới cũng như việc học tập nâng cao trình độ thường xuyên của cá nhân để tạo ra những sản phẩm hoặc hoàn thành công việc có tính vượt trội trên môi trường số. Qua đó, kích thích chuyển đổi số chủ động, nhanh và phù hợp.
Bốn là, văn hóa số nhấn mạnh đến hành động thực tiễn, phản ứng nhanh, kịp thời. Trong thế giới kỹ thuật số đang thay đổi nhanh chóng, việc lập kế hoạch và ra quyết định cần kịp thời, linh hoạt, tránh bị tụt hậu so với những thay đổi đang diễn ra nhanh chóng hàng ngày. Tốc độ nhanh, lặp đi lặp lại của các công việc số đòi hỏi mức độ minh bạch và tương tác cao hơn nhiều lần so với những công việc khác.
Năm là, văn hóa số coi trọng sự hợp tác, thành công, từ công việc tập thể đến chia sẻ thông tin giữa các bộ phận, các tổ chức. Trong môi trường số, các hoạt động cũng làm tăng sự gắn kết của các thành viên trong tổ chức, cho phép họ thể hiện ý kiến cá nhân và có những cống hiến thực chất cho tổ chức.
Sáu là, khi hình thành được văn hóa số trong môi trường số sẽ giúp các tổ chức, các địa phương linh hoạt, nhạy bén hơn, khuyến khích lực lượng lao động nâng cao khả năng ứng phó với những thách thức mới và duy trì quá trình chuyển đổi số; Đồng thời, duy trì sức cạnh tranh thông qua khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh; khai thác hiệu quả công nghệ vào toàn bộ quá trình hoạt động. Xây dựng được những hình mẫu về việc tương tác với công nghệ số trong công việc và cuộc sống sẽ góp phần tạo sự lan tỏa tích cực về công cuộc chuyển đổi số.
Như vậy, để công cuộc chuyển đổi số trở thành một phần tất yếu của cuộc sống, trước hết, cần quan tâm xây dựng văn hóa số. Hồ Chí Minh đã từng khẳng định, văn hóa là yếu tố dẫn đường cho chúng ta đi. Xây dựng môi trường văn hóa số trong mỗi cơ quan, tổ chức, địa phương là hình thành lối tư duy mới, cách làm mới phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Khi lối tư duy mới, cách làm mới có áp dụng công nghệ số được thấm sâu, trở thành thói quen, thành yếu tố văn hóa trong mỗi cá nhân thì đó sẽ là động lực mạnh mẽ để thực hiện thành công công cuộc chuyển đổi số trên tất cả các mặt của đời sống xã hội. Văn hóa số là một phần quan trọng của nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, giúp chuyển đổi số thành công.
4. Giải pháp xây dựng văn hóa số, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số thành công
Trong bổi cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia hiện nay, xây dựng văn hóa số sẽ góp phần thúc đẩy chuyển đổi số thành công, tạo động lực cho nền kinh tế số, xã hội số và công dân số. Xuất phát từ vai trò của văn hóa số trên phương diện này, đề xuất một số giải pháp xây dựng văn hóa số ở Việt Nam hiện nay như sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, ý thức tự giác, trách nhiệm của toàn xã hội thông qua đẩy mạnh tuyên truyền về vị trí, vai trò của văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực thúc đẩy xã hội phát triển bền vững nói chung, cũng như những nội dung xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số ở Việt Nam giai đoạn 2023 – 2030, tầm nhìn 2045, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống tinh thần, năng lực thẩm mỹ của nhân dân.
Thứ hai, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, quản trị, điều hành, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về văn hóa số. Để xây dựng môi trường văn hóa số giúp cho mỗi cá nhân dần chủ động, tích cực và nhận thức rõ những lợi ích thiết thực từ việc ứng dụng công nghệ số vào công việc và cuộc sống, nhất thiết phải xuất phát từ hoạt động quản trị, điều hành của các cơ quan, tổ chức, phải có hệ thống pháp luật với những hướng dẫn cụ thể về các quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức, tập trung vào cách con người tương tác với công nghệ số trong công việc và cuộc sống của họ, bảo vệ, tôn trọng quyền làm chủ của người khác, của cộng đồng.
Bước đầu có thể dùng luật pháp để điều chỉnh hành vi con người cho phù hợp, nhằm dần trở thành ý thức tự giác của mỗi cá nhân, hướng tới thực hiện chuẩn mực về tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa số.
Thứ ba, quan tâm đầu tư nguồn lực xây dựng môi trường văn hóa số. Để văn hóa số thực sự là động lực thúc đẩy chuyển đổi số thành công cần phải quan tâm đầu tư nguồn lực con người, tài chính đủ mạnh để phát triển văn hóa số tương ứng với phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số, xây dựng các thể chế, thiết chế văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số Việt Nam.
Thứ tư, đẩy mạnh việc học tập kinh nghiệm quốc tế về xây dựng môi trường văn hóa số, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số thành công. Trong quá trình học tập kinh nghiệm thực hiện công cuộc chuyển đổi số, cần quan tâm kinh nghiệm xây dựng môi trường văn hóa số, để văn hóa số dẫn đường xây dựng công dân số, xã hội số và kinh tế số.
Thứ năm, chú trọng trách nhiệm nêu gương, xây dựng hình mẫu về tư duy mới, phong cách mới, lối sống mới phù hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ đó tạo sự lan toả sâu rộng trong xã hội. Xây dựng lực lượng nòng cốt, hình thành mạng lưới chuyên gia văn hóa số để dẫn dắt, tổ chức, lan tỏa tiến trình chuyển đổi số, góp phần bảo đảm công cuộc chuyển đổi số được thực hiện thành công nhanh, hiệu quả, bền vững.
Nguồn: http://lyluanchinhtri.vn/