Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT Biwase tại Hội nghị Thượng đỉnh Quản lý chất thải và chất thải thành năng lượng châu Á lần thứ 8 năm 2024.
Biwase không còn chôn lấp và đã chính thức đưa vào vận hành nhà máy đốt rác phát điện đầu năm 2024
Cùng với sự phát triển kinh tế, tốc độ phát triển công nghiệp, đô thị hoá nhanh nên sức ép về xử lý rác thải, nước thải rất lớn đối với nhiều tỉnh thành trong cả nước. Tuy nhiên, tại tỉnh Bình Dương lại không có tình trạng rác thải ùn ứ làm ảnh hưởng tới cuộc sống người dân, cũng như gây áp lực lên cơ quan quản lý Nhà nước.
Trong đó, tại tỉnh Bình Dương, từ ngày 1/8/2023, bãi rác tại Chi nhánh xử lý chất thải Biwase – Bình Dương của Công ty cổ phần – Tổng công ty Nước – Môi trường Bình Dương (Biwase) đã dừng tiếp nhận xe vào đổ rác, chuyển sang hình thức xử lý tuần hoàn, thu hồi nhiệt phát điện.
Như vậy, kể từ ngày 1/8/2023, 100% rác thải sinh hoạt tiếp nhận tại Chi nhánh xử lý chất thải Biwase – Bình Dương được xử lý theo hướng tuần hoàn, thân thiện môi trường.
Tới ngày 12/1/2024, Biwase tiếp tục khánh thành Nhà máy đốt rác phát điện 5MW và nâng công suất phân loại, tái chế, xử lý rác lên 2.520 tấn/ngày.
Sau khi nâng công suất khu liên hợp xử lý rác thải, tổng công suất đã đầu tư của Biwase lên tới 2.520 ở tấn/ngày (lượng tiếp nhận thực tế chỉ 2.350 tấn/ngày). Như vậy, Biwase đã và sẽ tiếp tục đảm xử lý toàn bộ rác thải và đang đầu tư dư công suất cho những năm sắp tới nếu như rác thải tiếp tục tăng lên.
Đây cũng là phương án dự phòng cho vài năm tiếp theo nhằm bảo đảm khả năng tiếp nhận, xử lý rác thải trên địa bàn toàn tỉnh Bình Dương, biến toàn bộ rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày thành nhiều sản phẩm khoa học, hữu ích gồm năng lượng tái tạo (điện), phân bón hữu cơ, vật liệu xây dựng, phù hợp với xu hướng “rác là tài nguyên” và kinh tế tuần hoàn hiện nay.
Chia sẻ về thành công về việc xử lý rác thải tại tỉnh Bình Dương, tại Hội nghị Thượng đỉnh Quản lý chất thải và chất thải thành năng lượng châu Á lần thứ 8 năm 2024 vào sáng ngày 20/3/2024, ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT Biwase cho biết Công ty bắt đầu tham gia xử lý rác thải từ năm 2004, trước đó chủ yếu là cấp nước, Công ty đã học hỏi nhiều kinh nghiệm ở các nước phát triển từ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Trong đó, không có công nghệ nào tối ưu nếu không phân loại rác từ nguồn, hiện nay ở Việt Nam chưa có phân loại, sau khi khảo sát, Công ty bắt đầu mua thiết bị phân loại rác từ nguồn để có thể phân loại rác ngay từ đầu.
Trong đó, tại Biwase, rác hữu cơ được ủ làm phân hữu cơ, phục vụ cho nông nghiệp hữu cơ; rác nilon sẽ được tái chế; sắt, thép, kim loại sẽ được thu gom bán phế liệu; vật liệu xây dựng tập kết lại để sử dụng san nền; rác khác được đốt và thu nhiệt phát điện; bùn thải hữu cơ được sấy làm phân hữu cơ; xỉ tro, bùn thải vô cơ được phối trộn làm bê tông, cấu kiện bê tông, gạch tự chèn, lát nền vỉa hè …
“Việc xử lý rác tại Bình Dương là dây chuyền khép kín với nhiều phân xưởng tái chế và ba bộ phận làm việc tích cực nhằm tìm kiếm nguồn kinh doanh đầu vào; tìm kiếm nguồn tiêu thụ đầu ra như phân bón, gạch bê tông, phế liệu…; và một đội ngũ thiết kế, gia công, bảo trì, sửa chữa thiết bị đủ mạnh để tự chủ các dây chuyền”, ông Nguyễn Văn Thiền nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Thiền nhấn mạnh về việc tự chủ công nghệ: “Công ty làm chủ công nghệ đốt rác phát điện, toàn bộ lượng chất thải thu về được xử lý khép kín 100%, không còn chôn lấp sau khi xử lý; toàn bộ các dây chuyền xử lý từ làm phân, lò đốt đều do cán bộ công nhân viên của Công ty tự đảm trách từ khâu thiết kế, thi công, xây dựng, vận hành, bảo trì…”.
Hiện nay, Biwase có đến 4 dây chuyền công nghệ tách lọc xử lý rác với công suất 2.520 tấn/ngày với quy mô khu tích ủ lên men trên 100.00 m3, diện tích sàn 30.800 m2; diện tích nhà xưởng ủ chín lên tới 56.800 m2; 2 nhà máy xử lý nước rỉ rác công suất 1.000 m3/ngày cùng nhiều dây chuyền xử lý tái chế khác hoàn toàn đủ công suất tiếp nhận 100% rác sinh hoạt của tỉnh về khu liên hợp; 2 nhà máy đốt rác y tế công suất 16 tấn/ngày; 4 nhà máy đốt rác hỗn hợp công suất 500 tấn/ngày, trong đó có 1 nhà máy công suất 200 tấn/ngày có thu nhiệt phát điện công suất 5 MW.
Tiềm năng biến chất thải thành năng lượng còn nhiều tiềm năng tại Việt Nam
Thực tế, thị trường biến chất thải thành năng lượng (WTE) ở Việt Nam tương đối nhỏ nhưng có tiềm năng tăng trưởng đáng kể. Tiềm năng thu hồi năng lượng từ chất thải rắn ở Việt Nam là khoảng 1.400 megawatt (MW) mỗi năm, có thể đóng góp vào các mục tiêu năng lượng tái tạo của đất nước và an ninh năng lượng. Việc áp dụng các giải pháp công nghệ biến rác thải thành năng lượng còn khiêm tốn. Mặc dù lượng rác thải rắn đô thị chưa được xử lý của cả nước rất lớn khoảng 25 triệu tấn/năm nhưng giải pháp công nghệ biến rác thải thành năng lượng vẫn được sử dụng rất hạn chế ở Việt Nam. Vì vậy, phần lớn rác thải vẫn được đưa vào các bãi chôn lấp.
Luật Môi trường mới (2020) đang thực thi biện pháp xử lý chất thải rắn bền vững, mở ra nhiều cơ hội thu hút nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực xử lý rác thải. Trong đó, Công nghệ biến chất thải thành năng lượng (WTE) được coi là giải pháp trọng tâm trong những năm tới.
Ngoài ra, để đạt được mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050, Việt Nam không chỉ cần nguồn vốn đáng kể mà còn cần công nghệ và bí quyết hiệu quả trong các lĩnh vực của ngành, từ các giải pháp hiệu quả để phát triển hiệu quả chất thải thành năng lượng, cho phép vận hành hiệu quả thị trường năng lượng trong nước và với các nước láng giềng. Các nhà đầu tư và nhà cung cấp công nghệ quốc tế đang hợp tác với Chính phủ Việt Nam để đáp ứng nhu cầu phát triển năng lượng của đất nước.
Nguồn: https://biwase.com.vn/