Nhà giáo Hoàng Trung Tích – Tài còn để lại, đức còn lưu

Hoàng Trung Tích có một quyền uy riêng, rất riêng phát ra từ ánh mắt trong sáng, thân thiện như thôi miên người đối diện. Ông có giọng nói nhỏ nhẹ, khúc triết nhưng rất hùng biện, âm vang cuốn hút người nghe. Bởi thế, những người có hiểu biết đều có chung nhận định: Hoàng Trung Tích là nhà giáp dục từ khi ông chưa bước chân vào ngành giáo dục.

Năm 1951 ( khi ấy tôi mới lên 10) Hoàng Trung Tích từ quân đội chuyển sang trường thiếu sinh quân. Nghe tin Hoàng Trung Tích không những học thức uyên thâm mà võ nghệ cũng cao cường đang về thăm quê ở Phú Khê, xã Yên Thành, Hoàng Kiền là con trai đại địa chủ ở thôn Vô Vọng nổi máu muốn đọ tài võ nghệ với Hoàng Trung Tích. Nhà Hoàng Kiền tuy khác làng, khác xã với tôi nhưng chỉ cách nhau một cánh đồng nước, đứng ở bờ tre phía đông nhà tôi vẫn có thể gọi nhau, nhìn thấy nhau. Trước năm 1945 Huyện đường đóng ở Bo ( trước mặt làng tôi) Hoàng Kiền đã từng đấu võ ở sân thể dục, thắng nhiều đối thủ. Hôm ấy Hoàng Kiền dẫn năm thanh niên cường tráng mang theo năm gậy tre đực dài hai mét đến nhà Hoàng Trung Tích gạ đọ tài. Hoàng  Kiền ở xã Yên Nghĩa. Hoàng Trung Tích ở xã Yên Thành, hai xã liền kề nhưng hai làng cách nhau khoảng 5km. Hoàng Trung Tích đã vui vẻ cởi mở đón tiếp Hoàng Kiền và năm trai tráng đi theo. Sau nhiều câu chuyện thăm hỏi xã giao và mời nhau trà thuốc, Hoàng Trung Tích chân thành tâm sự với Hoàng Kiền: Hai chúng ta mới gặp nhau lần dầu, hai chúng ta lại chẳng có thù oán gì với nhau. Nếu đọ tài thì một là tôi chết hai là anh chết, còn thắng hay thua thì chẳng để làm gì mà lại gây nên thù hận về sau. Nhưng anh đã đến đây và nếu anh vẫn muốn đọ tài thì tôi sẵn sàng giao tiếp để ta học tập lẫn nhau và hiểu nhau hơn. Sau một hồi im lặng, Hoàng Trung Tích nói tiếp: Khách đến nhà, lại là khách lần đầu mới gặp, tôi không muốn để khách phật ý về tôi. Vậy tôi với anh giao đấu tay không để tôi được học hỏi thêm. Cũng có thể anh cho năm đệ tử có năm gậy mang theo, tôi không có gậy thì lấy đòn càn ta cùng giao đấu? 

Nghe vậy Hoàng Kiền hứng khởi dùng năm đệ tử đọ tài với Hoàng Trung Tích để thăm dỗ, Hoàng Trung Tích cắm đòn càn đứng trước, năm thanh niên cường tráng cấm năm cây gậy tầy đứng hàng ngang đối diện. Bỗng thế trận đột biến. Hoàng Trúng Tích múa đòn cần quay tròn rít lên như lốc cuốn. Nhanh như chớp Hoàng Trung Tích bay người dùng hai kheo chân bắt hai gậy, tay trái bắt một gậy ném ra xa, đá cho ba anh ngã lộn nhào, chỏng võ. Tay phải cầm cây đòn cần gạt ngang để lên cổ hai anh không ngóc lẫn được. Thấy vậy Hoàng Kiến chạy ra ôm lấy Hoàng Trung Tích, còn năm chàng trai thì lóp ngóp đứng dậy chắp tay bái phục. Hoàng Trung Tích cười hiền lành và bảo: Mình bắt gậy và đá để cho ngã. Còn nếu mình đá vào chỗ hiểm thì các bạn không thể nào đứng lên được. Bây giờ hai bên chủ khách mới thực sự cởi mở chân tình về gia cảnh và ý nghĩ tâm tư Hoàng Trung Tích vỗ vai thân mật nói với Hoàng Kiền: Cụ nội mình là Hoàng Kim Chung, đốc học tỉnh Hải Dương, là thầy dạy hai vị Tam nguyên Nhà Nguyễn. Mình cũng biết bố bạn là Tiên chỉ quyền uy một vùng. Bạn đã từng vỗ tay nhảy lên nóc nhà, bàn tay từng bóp nát gốc tre. Giỏi võ nghệ như bạn nên đi bộ đội để cứu nước cứu dân. Sau này nghe theo lời động viên của Hoàng Trung Tích, Hoàng Kiến đã đi bộ đội. Anh đã lập được chiến công lớn khi đánh vào nhà máy chai Nam Định, Hoàng Kiền là liệt sĩ chống Pháp. Năm 1954 Hoàng Trung Tích xa rời trường thiếu sinh quân, sang Quế Lâm Trung Quốc để học. Năm 1956 Hoàng Trung Tích về nước làm công tác giáo dục. Thầy làm công tác Đảng, phó Hiệu trưởng trường cấp III Liên khu 3 đặt tại Nam Định. Năm 1959 thấy được bổ nhiệm phó ty giáo dục. Năm 1964 thầy giữ chức trưởng ty giáo dục Nam Định – Nam Hà – Hà Nam Ninh cho đến lúc nghỉ hưu. Ông Vũ Văn Sáng trưởng phòng tổ chức cán bộ của ty giáo dục luôn tự hào khoe với bạn bè, khoe với trưởng phòng giáo dục ở các huyện, khoe với hiệu trưởng các trường cấp 3: Tôi rất may mắn được làm học trò của thầy Hoàng Trung Tích ở trường cấp III Liên khu 3 những năm xưa. Tôi lại may mắn hơn nữa được giúp việc thầy làm tổ chức cán bộ ở sở. Thầy thường căn dặn tôi: Bổ nhiệm ai, điều động ai, giao việc cho ai cần phải xem xét người đó có đủ tư chất và hoàn cảnh để làm tốt việc đó hay không? Làm lãnh đạo phải luôn ghi nhớ đạo trời là nước chảy xuống, chảy ngang chứ không chảy ngược. Ôi! Lời của thầy huyền vi, trí tuệ có sức cảm hoá lạ thường. Nhờ có thầy rèn luyện nên suốt bao năm làm việc bên thầy tôi không hổ thẹn với thầy và với bạn bè đồng nghiệp. Nghĩ về trưởng ty giáo dục Hoàng Trung Tích, cựu học sinh cấp III liên khu 3 đã viết: Từ lá cờ đầu Bắc Lý, thầy đã cho ra dời phong trào thi đua HAI TỐT trong toàn ngành. Hà Nam Ninh được coi là quê hương của phong trào thi đua DẠY TỐT và HỌC TỐT . Thầy Hoàng Trung Tích là nhà quản lý giáo dục cấp tỉnh vừa có chữ tâm lại vừa có chữ tài.

Những năm 60, 70 của thế kỷ trước mà trưởng ty giáo dục Hoàng Trung Tích đã chỉ đạo đến từng thầy cô giáo: Bản chất của dạy học là rèn tư duy cho người học, là rèn các giác quan nhanh nhạy, chính xác cho học trò khi thâu nhận tri thức thì quả là khi đó chưa có nhà quản lý giáo dục nào làm được? Trong những trại hè bồi dưỡng cốt cán của tỉnh, thầy thường trực tiếp giảng bài cho chúng tôi. Thầy giảng giải và phân tích: – Mắt nhìn: Luyện tập cách nhìn sao cho tinh tường để không sai sót khi tiếp nhận văn bản. Không chỉ nhìn thấy hình khối, sắc màu mà nhìn thấy cả những cảnh vật không hình, không ảnh, nhìn thấy cả thế giới tâm linh, nhìn thấy cả cõi vô thường. – Tai nghe không sai sót. Nghe được tiếng người, tiếng của tạo vật, nghe được cả những thứ không phát ra thanh âm. Nghe được tiếng nói của quá khứ và tương lai. Nhà thơ lớn đã mách bảo ta: Đã nghe gió ngày mai thổi lại/ đã nghe hồn thời đại bay cao, nghe được cả những thanh âm vô thường. Thầy Hoàng Trung Tích giảng sâu và hay gây hứng thú học tập cho trại hè cốt cán chúng tôi. Thú thực những năm tôi học khoa văn ở Đại học Sư phạm cũng chưa được học thầy nào giảng hay và sâu như thế. Sang đến thế kỷ XXI này nhiều bậc cử nhân đọc câu thơ: Chống gậy vô thường về Yên Tử hoặc Nghe đâu ngọn gió vô thường quanh tôi cũng khó mà cảm nhận được. Vậy mà cách đây hơn nửa thế kỷ trưởng ty giao dục Hà Nam Ninh đã hướng dẫn chúng tôi cảm hiều để bồi dưỡng cho học trò năng khiếu văn. Những năm miền Bắc còn đang chống chiến tranh của không lực Hoa Kỳ, thầy Hoàng Trung Tích về thăm giáo dục huyện Ý Yên. Thấy vào lớp dự tiết học sử. Khi dạy xong tiết học, cô giáo cứ hi vọng trưởng ty sẽ đánh giá tốt giờ dạy của mình. Ra khỏi lớp cô giáo cứ đi bên trưởng ty. Không thấy trưởng ty nói gì, cô giáo hồn nhiên thưa:

– Thưa Bác cháu dạy như thế có được không ạ? Trưởng ty nhìn sang cô giáo ân cần nói:

– Cháu dạy như thế cũng được (nét mặt cô giáo rạng rỡ hẳn lên) ngừng lại khoảng vài giây trưởng ty nói tiếp về sau Nhưng không dạy cũng được? Thế là cô giáo chưa kịp vui đã ứa nước mắt chạy đi nơi khác. Vào văn phòng, trưởng ty bảo với hiệu trưởng.

– Thầy hiệu trưởng nhờ mạng lưới chuyên môn của huyện (vì chúng tôi cũng dự giờ sử) họp với tổ chuyên môn giải mã nhận xét của tôi: Dạy như thế cũng được mà không dạy cũng được để cô giáo và tổ rút kinh nghiệm. Nói đến trưởng ty giáo dục Hoàng Trung Tích huyện nào, trường nào cũng sợ cái uy của thầy nhưng trường nào, huyện nào cũng muốn được gặp thầy và nghe thầy nói? Khi hợp nhất ba tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình thành tỉnh Hà Nam Ninh. Ninh Bình cứ ao ước mời trưởng ty về thăm. Một hôm trưởng ty về thăm giáo dục Ninh Bình, lãnh đạo phòng giáo dục thị xã rất phấn khởi thưa với trưởng ty.

– Cán bộ giáo viên ở trong này rất mong được đón tiếp trưởng ty, được nghe trưởng ty nhận xét đánh giá những điểm yếu và điểm mạnh để chúng em rút kinh nghiệm. Đặc biệt là sắp đến kỳ thi tốt nghiệp, anh em chúng em muốn trưởng ty chỉ dẫn nội dung ôn tập để kỳ thi đạt kết quả cao. Thầy Hoàng Trung Tích có gương mặt phúc hậu tròn đầy, có vầng trán cao và rộng. Đôi môi của thầy lúc nào cũng như đang cười rất cởi mở . Thầy nói bình thường mà giọng cứ sang sảng.

– Là lãnh đạo thì phải sâu sát. Đến thăm anh em và kiểm tra các hoạt động là trách nhiệm của lãnh đạo ty. Đến thăm mà không phát hiện ra điểm mạnh để nhân điển hình, không thấy được điểm yếu để vạch ra biện pháp khắc phục thì đấy là đi chơi, kiểm tra như thế cũng như không? Phòng giáo dục có ý định mời đoàn đi trường này, trường nọ nhưng đoàn kiểm tra lại đi đến một số xã, số vùng không nằm trong dự kiến của phòng giáo dục. Tối về phòng giáo dục ăn cơm và làm việc với phòng (thời bấy giờ hay họp buổi tối). Trong bữa cơm thân mật trưởng ty kể một câu chuyện vui dí dỏm mà lại có ý nghĩa sâu xa. Câu chuyện trưởng ty kể như sau:

– Thuở nhỏ mình phải lên Thanh Liêm mới nhờ được thầy dạy. Mỗi khi đi qua phố Cà ra quốc lộ 1 thì lại bị bọn trẻ ở đó hăm dọa. Chúng khoanh một vòng tròn bằng cái nong bắt mình đứng vào đó để hạch, có gì phải cho nó. Không cho hoặc không có là nó quất, béo tai, đá đít. Mình có ông anh giỏi võ, một hôm mình bảo anh đi theo để cho chúng nó một bài học. Khi nó bắt mình đứng vào vòng tròn thì ông anh lớn tiếng quát thừa cơ mình chạy đi. Được một đoạn quay lại nhìn thì thấy chúng nó đang đè anh mình nằm dưới, còn chúng nó cỡi lên trên. Nghĩ vừa thương anh lại vừa bực mình cho anh, giỏi võ thế mà để nó cỡi lên trên. Tối về hỏi anh tại sao lại thua chúng nó? Anh mình bảo Anh giỏi võ nhưng nó không chơi võ mà chơi vật nên anh mới thua. Nhưng em yên trí từ mai trở đi chúng nó sẽ không bắt nạt em nữa. Mọi người nghe đều trột dạ nhưng ai nấy đều cảm phục cách ứng xử của trưởng ty. Thế là chẳng ai dám đề nghị trưởng ty gợi ý nội dung ôn thi tốt nghiệp.

Gia đình Hoàng Trung Tích có ba anh em trai. Anh cả là Hoàng Nhượng Tống, bằng cấp thì không cao nhưng văn chương thì tài hoa, nhà báo thì nổi tiếng, dịch sách thì kỳ tài. Dịch sử ký của Tư Mã Thiên, Ly Tao của Khuất Nguyên, thơ Đỗ Phủ, dịch Liêu Trai Chí Dị. Chu Văn đọc Liêu Trai Chí Dị mải mê không biết chán. Anh thứ hai là Hoàng Trọng Huống làm trưởng ty nông nghiệp Vĩnh Phúc là người giúp việc đắc lực cho Bí thư Tỉnh uỷ Kim Ngọc. Hoàng Trung Tích là em thứ ba trưởng ty giáo dục Hà Nam Ninh là người tận tâm, tận trí giúp việc cho bí thư tỉnh uỷ Phan Điền đưa ngành giáo dục Nam Định dẫn đầu toàn quốc. Bộ trưởng giáo dục Nguyễn Văn Huyên, Phạm Minh Hạc rất quý trọng tài năng và đức độ của Hoàng Trung Tích. Nói về nam nữ bình đẳng, bình quyền, trưởng ty giáo dục Hoàng Trung Tích có quan điểm rất minh triết:

– Không nên hô khẩu hiệu, cũng không nên quy định tỷ lệ nữ bao nhiêu phần trăm mà bản thân chị em nữ phải hiểu mình, tự khẳng định, rèn luyện mình để mình có đủ tư chất bình đẳng bình quyền thì tổ chức sẽ trọng dụng, cộng đồng sẽ tin yêu.

 Hoàng hậu Nam Phương có đòi hỏi gì đâu mà Vĩnh Thụy ( Vua Bảo Đại) vẫn phải nể trọng và nghe theo. Mạc Thị Bưởi, Võ Thị Sáu, Trần Thị Lý, Nguyễn Thị Út, Nguyễn Thị Định đều tự khẳng định vị thế của mình trong chiến tranh các mạng được cả nước tôn vih, thế gian cảm phục. Trưởng ty giáo dục Hoàng Trung Tích khen ai, kỷ luật ai bao giờ cũng công minh. Phong cách quản lý giáo dục của Hoàng Trung Tích là trí – đức vẹn toàn vừa diệu lý luân thường vừa kiên tâm vững chí để cảm hóa và thuyết phục mọi người. Có lần trưởng ty ra quyết định kỷ luật một giáo viên ở thành phố Nam Định. Ý của lãnh đạo Ủy ban tỉnh thì không muốn. Trưởng ty nói thẳng: Không kỷ luật giáo viên ấy thì tôi không làm trưởng ty nữa. Bí thư Tỉnh ủy Phan Điền coi Hoàng Trung Tích là nhà quản lý giáo dục trí sáng tâm trong, thâu nhân tình mà Bắc phương them nhưng không có. Những năm tuổi cao, sức khỏe yếu. Lãnh đạo tỉnh muốn đưa Hoàng Trung Tích đi an dưỡng và chữa bệnh ở Đức. Hoàng Trung Tích cảm ơn và nói rằng:
An dưỡng thì không ở đâu tốt hơn là chính nhà mình bên cạnh vợ con mình. Chữa bệnh thì không gì an tâm hơn là những bác sĩ thân gần của tỉnh mình, của nước mình chăm sóc cho nhau.

Thầy Hoàng Trung Tích – Trưởng ty giáo dục Hoàng Trung Tích người quản lý giáo dục cấp tỉnh giàu tiềm năng, có một chứ không có hai? Trong công tác quản lý chỉ đạo thầy luôn có những bước đột phá, quyền biến dám làm dám chịu để khai nghiệp lớn. Từ Bộ giáo dục đến lãnh đạo tỉnh và cán bộ giáo viên trong ngành đều tin yêu quý trọng. Thầy đã đi xa từ thế kỷ trước nhưng tài năng còn để, đức sáng còn lưu, non vẫn đang khơi biếc, nước vẫn cứ thông nguồn. Ban thờ thầy vẫn là điểm hẹn gác vàng chờ tri kỷ đón tri âm về hội tụ.

Tôi cầu mong các cấp lãnh đạo dành một đường phố của Thành Nam mang tên Hoàng Trung Tích để cả trên dưới, gần xa mãi mãi nhớ về thầy.

HOÀNG TRUNG HIẾU

Tin nổi bật