Nâng cấp ngành thương mại điện tử bằng chính sách mới

Chất lượng dịch vụ và mô hình kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử được nâng cấp khi tiêu chuẩn từ nền tảng nâng cao…

Sau khoảng 10 năm xuất hiện tại Việt Nam, lượng người dùng dịch vụ thương mại điện tử đã vượt mốc 50 triệu, chiếm trên 50% dân số. Điều này cho thấy mức độ phổ biến ngày càng cao của hình thức mua sắm này. Trong đó, trung tâm là những mô hình sàn trực tuyến, tập trung người bán và khách hàng.

Sau giai đoạn phổ cập, đây là thời điểm để nâng cấp chất lượng dịch vụ khách hàng và chuyên nghiệp hơn ở phía người bán. Đổi lại, quá trình chuyển đổi có thể gây khó khăn cho các đối tác chưa có sự chuẩn bị.

LỢI ÍCH CHO KHÁCH HÀNG

Gần đây, Shopee nâng thời gian được trả hàng miễn phí cho người dùng trên nền tảng lên mức tối đa 15 ngày. Đây là một thay đổi nhỏ, nhưng có thể giúp trải nghiệm mua sắm online được cải thiện đáng kể. Điều này có ích trong việc thu hút thêm khách hàng mới, nhóm vẫn chưa lo lắng khi sử dụng nền tảng thương mại điện tử.

Cụ thể, trước đây khách hàng được phép khiếu nại hoàn tiền sau 3 hoặc 7 ngày kể từ thời điểm nhận được sản phẩm. Khoảng thời gian này được áp dụng ở hầu hết nền tảng. Điểm trừ là khoảng thời gian 3-7 ngày đôi khi chưa đủ để người mua kiểm tra hoặc đánh giá sản phẩm.

Với chính sách mới từ sàn thương mại điện tử Shopee, người dùng có đủ thời gian để xác nhận tình trạng món hàng sắm qua mạng, quyền lợi được đảm bảo. So với cách chọn đồ trực tiếp tại cửa hàng ngoại tuyến trước khi mua, thời gian trả hàng 15 ngày từ nền tảng mang lại giá trị tương đương.

Thời gian trả hàng được kéo dài, người tiêu dùng an tâm hơn khi mua sắm trực tuyến.

Theo báo cáo “Tương lai mua sắm: Thu hút Gen Z trong kỷ nguyên kỹ thuật số” do Shopee công bố gần đây, gần 70% người mua Gen Z trong khu vực Đông Nam Á xem sàn thương mại điện tử là điểm khởi đầu quan trọng trong hành trình mua sắm và dựa vào các nền tảng này để nghiên cứu thêm về sản phẩm. Báo cáo do đơn vị Kantar thực hiện và khảo sát với hơn 2.400 người mua trên khắp Đông Nam Á này còn tiết lộ, quy trình trả hàng và hoàn tiền dễ dàng là yếu tố được Gen Z cân nhắc hàng đầu khi mua sắm.

Việc cập nhật chính sách này cho phép người mua thay đổi quyết định mua hàng đối với nhiều sản phẩm và mặt hàng. Điều này sẽ giúp khách hàng yên tâm hơn, đồng thời mang đến sự thuận tiện và linh hoạt xuyên suốt quá trình mua sắm.

Người dùng Bùi Thu Hà, ngụ tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho rằng Shopee giúp khách hàng đảm bảo được đầy đủ quyền lợi, hạn chế rủi ro khi mua sắm trực tuyến.

Theo chị Hà, việc Shopee gia tăng quyền lợi người mua với việc kéo dài thời gian được yêu cầu trả hàng, hoàn tiền lên 15 ngày kể từ thời điểm bưu kiện giao thành công giúp chị yên tâm hơn với mỗi đơn hàng đặt mua.

“Như vậy, người mua hàng như chúng tôi được trả hàng trong vòng 15 ngày. Đây là khoảng thời gian đủ để người mua kiểm tra hàng, thực hiện các yêu cầu về trả hàng, hoàn tiền mà không phải lo ngại về việc hết thời hạn như trước đây”, người dùng này chia sẻ.

NGƯỜI BÁN PHẢI CHUYỂN ĐỔI

Về phía người bán, chính sách của nền tảng khiến mô hình của họ phải được chu toàn, để làm việc chính xác, chuyên nghiệp hơn. Nhằm tối ưu lợi nhuận, việc chăm sóc khách hàng, đóng gói, chuẩn bị sản phẩm cần được thực hiện chỉn chu, để giảm tình trạng khách hàng đổi ý.

Đồng thời, đây là thay đổi tất yếu, khi người dùng trên nền tảng có nhiều kinh nghiệm hơn, luôn lựa chọn kỹ khi quyết định mua sắm. Do vậy, trách nhiệm phía chủ shop cũng cần nâng cao để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Theo các chuyên gia, thay đổi chính sách có thể khiến một số người bán chưa kiện toàn mô hình, có thể gặp khó khăn khi chuyển đổi.

“Thời gian trả hàng nới rộng, đồng nghĩa việc chuẩn bị hàng hóa, dòng tiền phải cân đối lại, nhất là ở các đợt khuyến mãi, đơn tăng đột biến”, ông Đỗ Quang Huy, chuyên gia mảng thương mại điện tử, Giám đốc công ty Ecotop, chia sẻ. Vị này cho rằng người bán phải làm nhiều việc hơn, nhất là trong các bước chăm sóc khách hàng, bằng cách nhắn tin, tư vấn, tặng quà để tăng trải nghiệm.

Ngoài việc giảm lượng trả hàng, việc này còn giúp shop có thêm người dùng trung thành, có thêm đánh giá tốt trên nền tảng. Do vậy, có thể gây khó khăn ban đầu, một số người bán vẫn chấp nhận để phát triển kinh doanh.

Anh Nguyễn Quang Ninh, chủ gian hàng thời trang AKUBA trên sàn Shopee cho biết, trong nhiều ngày nay, những nhà bán hàng như anh đang bàn luận nhiều về chính sách này.

Theo anh Ninh, việc bán hàng online vốn không tránh khỏi các trường hợp người mua trả hàng hóa. Việc tăng thời hạn trả hàng cho khách lên 15 ngày của Shopee, có thể sẽ gia tăng lượng người dùng mua sắm trên gian hàng của anh. Việc mang đến trải nghiệm mua hàng tốt hơn cho người dùng, có thể giúp người dùng tự tin mua sắm, người bán cũng vì thế mà gia tăng doanh thu, tuy nhiên vẫn còn đó những nỗi lo trong chính sách mới này.

Đồng tình với vấn đề này, anh Trần Lâm, tác giả sách về thương mại điện tử, đồng thời là chủ sở hữu 7 thương hiệu “best seller” trên sàn thương mại điện tử, cho biết: “Chính sách này về cơ bản cũng có cái hay là tăng trải nghiệm khách hàng, bởi Shopee yêu cầu chỉ được trả hàng khi chưa sử dụng”.

Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng, khi kinh doanh những sản phẩm mang tính cảm quan, người mua hàng có khả năng “lợi dụng” tính năng trả hàng hoàn tiền. Tuy nhiên trên thực tế, các sàn thương mại điện tử như Shopee vẫn ở giữa đóng vai trò phân xử và chịu toàn bộ chi phí hoàn hàng nếu người mua đổi ý mua hàng”.

“Để có thể mang đến trải nghiệm mua sắm tốt hơn cho cả người mua và người bán, chúng tôi cũng mong Shopee cần có chính sách hướng dẫn người mua hàng có trách nhiệm hơn”, anh Lâm cho ý kiến thêm.

Nguồn: https://vneconomy.vn/

Tin nổi bật