Ngày 3/4 , Tạp chí Nhà đầu tư với sự phối hợp của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường – Bộ Tài nguyên & Môi trường tổ chức Hội thảo “Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh: Vấn đề cấp bách”.
Có cải thiện nhưng dư nợ tín dụng xanh còn khiêm tốn
Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho hay: NHNN đã chủ động lồng ghép, xây dựng các đề án, chương trình tín dụng góp phần tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án góp phần bảo vệ môi trường, hỗ trợ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Thứ nhất, bổ sung, hoàn thiện các quy định, định hướng về ngân hàng xanh và tín dụng xanh phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là 100% ngân hàng xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay.
Bổ sung, lồng ghép định hướng phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh vào các định hướng hoạt động, phát triển của ngành ngân hàng.
Thứ hai, triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng (TCTD) đa dạng sản phẩm ngân hàng – tín dụng xanh, góp phần thực hiện tăng trưởng xanh, NHNN khuyến khích các TCTD tập trung nguồn vốn tín dụng ngân hàng cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh, đầu tư cho các ngành/lĩnh vực xanh, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu
Thứ ba, NHNN thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường năng lực cho hệ thống ngân hàng trong thực hiện tín dụng – ngân hàng xanh. Kết quả hoạt động tín dụng xanh, trong 7 năm qua (2017-2023), dư nợ cấp tín dụng xanh của hệ thống có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm. Đến 31/12/2023, đã có 47 TCTD phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 620.984 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm tỷ trọng gần 45%) và nông nghiệp xanh (gần 30%).
Nhiều TCTD đã xây dựng các gói tín dụng xanh, chương trình tín dụng xanh phù hợp với đặc thù hoạt động kinh doanh, chuyển đổi xanh. Các TCTD đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Đến 31/12/2023, dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 2,84 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 20%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, tăng hơn 20% so với cuối năm 2022…
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy tín dụng xanh hiện nay còn gặp một số khó khăn chính như: Danh mục phân loại xanh là căn cứ để NHNN đánh giá được hiệu quả của các chính sách, giải pháp trong chính sách tín dụng góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia, là cơ sở quan trọng để các TCTD xác định định mức, quy mô đầu tư, xây dựng và triển khai các chính sách, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp.
Đại diện NHNN kiến nghị các bộ ngành phối hợp hoàn thiện hành lang pháp lý để: Có hướng dẫn về Danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam làm cơ sở cho các TCTD có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh; Nghiên cứu có hướng dẫn chung về ESG giúp các doanh nghiệp có cơ sở thực hiện chuyển đổi xanh. Xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển…) của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh; Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu xanh, tạo kênh huy động vốn cho các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các dự án xanh.
Cần chi tiết hóa để có tín dụng xanh, trái phiếu xanh thực chất
TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: Câu chuyện chuyển sang xanh là thách thức mới nhưng là việc phải làm, không phải lựa chọn và phải làm quyết liệt.
“Cần thấy rằng, ưu đãi là quan trọng nhưng quan trọng hơn cả ưu đãi là một môi trường cho doanh nghiệp hoạt động được. Cơ chế thị trường là quan trọng, ưu đãi là đi kèm, cần hỗ trợ doanh nghiệp, tạo không gian cho doanh nghiệp hoạt động”, TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV thẳng thắn cho rằng: Tài chính xanh dù đã được triển khai tại Việt Nam hơn 10 năm, nhưng quy mô còn nhỏ (tín dụng xanh chỉ chiếm 4,4% tổng dư nợ, trái phiếu xanh còn rất ít…). Đặc biệt, việc triển khai tín dụng xanh còn nhiều vướng mắc như chưa có khung pháp lý, chính sách tổng thể (gồm cả thuế, phí, vốn ưu đãi…)… trong khi các nguồn vốn cho vay của các TCTD thường là vốn huy động ngắn, trung hạn và bên vay đòi hỏi lãi suất ưu đãi…
Với trái phiếu xanh, còn thiếu các hướng dẫn chi tiết của các cơ quan chức năng (thông tin, tiêu chí về dự án xanh); cơ chế quản lý, giám sát việc sử dụng nguồn vốn…; khung pháp lý, hạ tầng công nghệ thông tin, nền tảng nhà đầu tư… trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn chưa hoàn thiện; chưa có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát hành và đầu tư trái phiếu xanh…
Để phát triển tài chính xanh tốt hơn, Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể để phát triển thị trường tài chính xanh một cách hài hòa, hiệu quả giữa các kênh dẫn vốn, gắn với các định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.
TS Cấn Văn Lực cho rằng, cần xác định các lĩnh vực ưu tiên trước (như năng lượng, giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, du lịch…). Có thể tham khảo chiến lược/mô hình 5Is của Malaysia đồng thời lưu ý có các quy định, điều kiện khi niêm yết cổ phiếu xanh, báo cáo bền vững và giám sát doanh nghiệp theo các tiêu chí tài chính xanh…. Khi đó, các bộ, ngành liên quan cần ban hành sổ tay, quy trình triển khai phù hợp.
Hai là, có cơ chế, chính sách để thu hút nguồn vốn (cả Nhà nước và tư nhân) cho đầu tư xanh bằng cách ban hành các chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí, lãi suất và hỗ trợ các chi phí liên quan đến phát hành trái phiếu xanh, cung cấp tín dụng xanh; đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong quá trình phát hành trái phiếu xanh, tín dụng xanh như nêu trên. Nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển xanh (tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc); nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường, Quỹ Khoa học công nghệ.
Ba là, cần sớm ban hành bộ tiêu chí về dự án xanh, công trình xanh, công sở xanh…; cập nhật các tiêu chí trái phiếu xanh, tín dụng xanh cho phù hợp với mục tiêu mới, bối cảnh mới và theo thông lệ quốc tế (ít nhất là tiêu chuẩn ASEAN)…
Ngoài ra, cần hoàn thiện chính sách, đơn giản hóa thủ tục và khuyến khích các tổ chức trong nước tham gia vào quá trình xác nhận, chứng nhận khung dự án xanh, trái phiếu xanh và dán nhãn dự án xanh; quan tâm phát triển thị trường tài chính, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường cổ phiếu, thị trường quỹ và thị trường phái sinh nhằm: Giảm tải phụ thuộc vốn trung dài hạn vào hệ thống ngân hàng; cơ quan quản lý cần có chính sách, giải pháp để trực tiếp hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp và các tổ chức tài chính tiếp cận các nguồn tài chính xanh quốc tế, các chương trình đào tạo, trao đổi kinh nghiệm quốc tế về tăng trưởng xanh và tài chính xanh…
Dưới góc độ xây dựng cơ chế, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho rằng, có một vấn đề là 1 dự án cấp tín dụng xanh, trái phiếu xanh nhưng có thể sau đó không còn xanh nữa. Hoặc có sự gian lận cấp tín dụng xanh, trái phiếu xanh thì tổ chức xác nhận thực hiện thế nào. Hoặc tổ chức vi phạm xử lý ra sao?
Đại diện Bộ TN&MT cho rằng: Xây dựng hệ thống Danh mục phân loại xanh theo chuẩn quốc tế đóng một vai trò rất quan trọng đối với Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Việc áp dụng chuẩn quốc tế trong việc đánh giá và phân loại các dự án xanh sẽ mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho đất nước, từ khía cạnh kinh tế, môi trường đến xã hội.
Một trong những việc quan trọng hàng đầu là tạo điều kiện cho phát triển bền vững. Việc xây dựng mục phân loại xanh dựa trên chuẩn quốc tế giúp xác định rõ ràng những tiêu chí và yếu tố quan trọng trong việc đánh giá tính bền vững của các dự án. Điều này khuyến khích việc đầu tư và phát triển các dự án có tác động tích cực đến môi trường, đồng thời hạn chế sự phát triển của những dự án gây hại.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư và tổ chức quốc tế ngày càng quan tâm đến các dự án xanh và bền vững. Bằng việc áp dụng chuẩn quốc tế trong việc phân loại các dự án, Việt Nam sẽ tạo ra sự minh bạch và tin tưởng cho cộng đồng quốc tế. Điều này giúp thu hút đầu tư và tài trợ quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và công nghệ trong nước.
Nguồn: Anh Minh – https://baochinhphu.vn/