Bốn chịu, bốn biết & năm lo, năm có

TP – Một nhiệm kỳ Bộ trưởng TT&TT của ông Lê Doãn Hợp, ngoài những thành công trong 5 lĩnh vực được giao trọng trách quản lý điều hành, ông còn tạo được khá nhiều cái được coi là dấu ấn riêng. Ông dành cho Tiền Phong Chủ nhật cuộc trò chuyện thú vị.

Ông Lê Doãn Hợp

Thịnh & suy

Nhìn lại nhiệm kỳ làm Bộ trưởng TT&TT, ông cảm thấy hài lòng nhất điều gì?

Trong nhiệm kỳ vừa rồi, tôi và đồng nghiệp đã làm được nhiều việc lớn: Xây dựng xong Đề án đưa Việt Nam thành nước mạnh về CNTT và TT vào năm 2020; Thông qua Quốc hội Chương trình quốc gia đưa CNTT về cơ sở.

Đây là chiến lược nâng cao dân trí; Xây dựng và trình Quốc hội ban hành 4 đạo luật chuyên ngành, linh hồn của các đạo luật này là xã hội hóa phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông. Bộ đã trình Chính phủ lập Quỹ bù đắp tiền lương cho cán bộ kỹ thuật đầu đàn có năng suất cao.

Từ những chính sách đó, đã tác động tích cực đến sự phát triển toàn diện của ngành trong đó có Viễn thông: Biến Viễn thông từ dịch vụ cao cấp thành dịch vụ bình dân dành cho tất cả mọi người; Biến một ngành độc quyền thành ngành cạnh tranh toàn diện.

Hiện nay điện thoại Việt Nam rẻ nhất thế giới; Trong lạm phát, trong khủng hoảng kinh tế tài chính, Viễn thông Việt Nam vẫn phát triển, doanh thu tăng, tiền lương tăng, lợi nhuận tăng, nộp ngân sách tăng; Ngành Viễn thông Việt Nam đã làm chủ quốc gia, tiến ra biển đảo và vươn ra thế giới…

Tuy nhiên trong cạnh tranh nhiều doanh nghiệp quá thì lãng phí, ít doanh nghiệp thì độc quyền. Người quản lý nhà nước phải xác định giới hạn để khắc phục được cả hai xu thế trên. Theo tôi quy mô dân số 80 triệu người chỉ nên có từ 4 đến 5 hãng viễn thông là đủ. Vì thế Bộ đã tổ chức thi tuyển 3G, sắp tới sẽ thi tuyển 4G theo hướng rút gọn các doanh nghiệp cạnh tranh trong viễn thông.

Thi tuyển là một cuộc cách mạng về quản lý, thay thế cơ chế xin cho qua thi tuyển. Ai có năng lực, đủ điều kiện thì được cấp phép, mọi thứ minh bạch, dân chủ và rõ ràng hơn.

Có điều gì mà khi rời ghế bộ trưởng, ông vẫn cảm thấy áy náy?

Có một việc tôi đang làm dở dang là lương bù đắp cho đội ngũ kỹ thuật bậc cao chưa đủ, phải có chính sách nhà ở cho họ. Chế độ nào tập hợp được nhiều nhân tài thì chế độ đó bền vững. Khi nào người tài trở về với mình là lúc đó mình thịnh, khi nào người tài rũ áo ra đi là khi đó mình suy. Từ đó trăn trở lớn nhất của tôi là xin đất để làm khu chung cư cho cán bộ, trước hết ưu tiên cho kỹ sư đầu đàn và những người thu nhập thấp, có năng suất lao động cao.

Một tiến sĩ ra trường với mức lương khấm khá cũng phải mất trên 40 năm mới có thể mua được 1 căn hộ chung cư ngoại thành dưới 70m2, bảo làm sao họ có thể yên tâm làm việc được. Hôm bàn giao cho Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, tôi đã nói, đây là khát vọng lớn nhất của tôi, mong tân Bộ trưởng tiếp tục làm, phấn đấu để hoàn thành vì anh em đang kỳ vọng rất lớn.

Làm cán bộ: 4 chịu, 4 biết

Có điểm khác biệt giữa Bộ trưởng Lê Doãn Hợp và các Bộ trưởng khác là khi đi đâu, ông hay dùng các câu nói ngắn gọn, dễ hiểu và dễ nhớ. Điều này ông học phong cách của ai?

Thực ra, tôi vẫn học cha ông, cha ông ta đều tổng kết bằng những câu rất ngắn gọn dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm, sống mãi với thời gian, nếu liệt kê thì không bao giờ hết. Tôi cũng đọc và học cách tổng kết của Bác Hồ, tôi chưa thấy vấn đề nào mà Bác chỉ đạo quá 5 đến 7 nội dung. Ngay cả việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân cũng chỉ có 4 gạch đầu dòng.

Mình không chưng cất thành ít chữ thì rất khó nhớ, mà khó nhớ thì sẽ khó làm. Nếu cho tôi tổng hợp tư tưởng Hồ Chí Minh đến mức ngắn nhất thì chỉ cần 4 chữ: Yêu nước Thương dân. Nếu cho ra một Nghị quyết ngắn nhất của Đảng cầm quyền, Tôi cũng tham mưu chỉ cần 4 chữ: Nhiều tiền Yên dân.

Tôi quan niệm: Đàn ông lấy sự nghiệp làm tình yêu, đàn bà lấy tình yêu làm sự nghiệp. Khi trẻ người ta cần đàn bà để hiểu thế nào là tình yêu, khi già người ta lại cần đến tình yêu để hiểu thế nào là đàn bà. Đàn ông bắt đầu lo kể từ khi lấy vợ, đàn bà bớt lo kể từ khi lấy chồng.

Bây giờ về hưu, tôi sẽ viết một loạt bài theo phong cách đó, làm sao để dễ nhớ dễ làm, ai đọc cũng có ích. Ví dụ 5 lo để 5 có: Lo cha mẹ để có đạo đức, lo cho con để có tương lai, lo cho vợ để có hạnh phúc, lo cho sự nghiệp để có điểm tựa, lo cho đồng đội, bạn bè để có sức mạnh tổng hợp. Hay khi nói về cán bộ thì cần có 4 chịu: chịu học, chịu đọc, chịu nghe, chịu đi cơ sở để tổng kết thực tiễn. Rồi cán bộ 4 biết: biết viết, biết nói, biết làm, biết điều.

Tôi cố gắng dồn nén câu chữ để dễ nhớ nhất, mà làm. Về khoa học, bộ nhớ bình thường của con người nếu nói 3 ý thì nhớ đủ, nói 5 ý thì nhớ lơ mơ, còn nói 7 ý trở lên thì khó nhớ dễ quên. Về báo chí, nếu nói đầy đủ thì 10 chữ Trung thực, Nhanh nhậy, Dũng cảm, Sáng tạo, Hướng thiện nhưng khái quát đến mức ngắn nhất chỉ còn 4 chữ là: Trung thực và Hướng thiện. Một xã hội trung thực là xã hội lành mạnh, một đất nước hướng thiện là một đất nước nhân văn. Người làm báo nói cái gì, viết cái gì cũng phải trung thực và hướng con người làm điều thiện.

Hồi tôi làm cán bộ chủ chốt Nghệ An, tôi nói làm Chủ tịch thì ưu tiên cho 3 chữ C: Chính sách, Công trình, Cải cách hành chính. Còn làm Bí thư cũng có 3 chữ C khác là: Cơ chế, Chủ trương, Cán bộ. Mình khái quát là để dễ nhớ, dễ làm, dễ kiểm điểm trách nhiệm cá nhân.

Có những cuộc đi thăm thú, dự hội nghị đột xuất khi phát biểu cũng thấy ông “chưng cất chữ nghĩa”. Ông có mất nhiều thời gian cho việc này không?

Không mất nhiều lắm. Tôi rất tự tin khi đi làm việc nên rất ít khi phải dùng giấy tờ. Tất cả có trong đầu rồi, phụ thuộc tài liệu giấy tờ mình sẽ dễ bị động. Thường khi phát biểu, tôi chỉ gạch đầu dòng một số ý, nhưng không quá 7, thường là 3 đến 5. Dựa vào đó, tùy thời gian ngắn dài mà mở rộng hoặc rút ngắn cho phù hợp. Nếu mình tự đọc thì không biết của ai, nhưng nói là của mình, dân tin mình là ở chỗ mình tự nói. Cái này có lẽ cũng là cha ông cho, cộng với sự rèn luyện bản thân.

Khi tôi ở chiến trường, từng làm tuyên huấn Sư đoàn 5, tôi ở với rất nhiều người tài giỏi, trong đó tôi không bao giờ quên Phó ban Tuyên huấn Sư đoàn 5 Nguyễn Lở, người Quảng Bình. Tôi đã trưởng thành rất nhiều trong thời gian ở với ông. Khi ở thì rất khổ, nhưng khi không còn ở với ông nữa thì mình mới thấy những ngày ở với ông là vô giá. Sau này tôi mới tổng kết: Nghiêm túc là đạo đức, Dễ dãi là tội ác.

Ở với ông Nguyễn Lở, ông bảo thanh niên mà 10h tối đi ngủ là chết rồi chưa chôn. Các cậu còn trẻ mà không chịu động não, cầm đến sách là buồn ngủ thì các cậu không dám nghĩ đến việc lớn, không dám động não, tư duy. Vì thế khi trẻ cái đầu phải chịu tải cho quen, ông ấy không bao giờ cho chúng tôi ngồi yên.

Ông ấy liên tục hỏi và chúng tôi liên tục phải trả lời. Ông yêu cầu chúng tôi phải tập định nghĩa mọi vật quanh mình, bởi vì trở về với định nghĩa mới trở về bản chất, điều đó tạo cho các cậu cách chọn ngôn ngữ rất ngắn, nói cái gì phải đúng bản chất, đừng vòng vo dài dòng tốn giấy mực, thời gian người nghe và cũng là xem thường quần chúng nữa.

Suốt đêm ông ấy cứ hỏi: thế nào là cái chén, thế nào là cái đĩa, thế nào là bộ đội, thế nào là dân quân, thế nào là du kích… liên tục hỏi những cái đang tồn tại xung quanh mình, và ai trả lời ngắn nhất thì người đó được thưởng (thường là một chiếc kẹo hoặc một điếu thuốc).

Ông ấy bảo: Đọc một trang sách mà nhiều ý thì đó là người viết giỏi, đọc một trang giấy mà toàn thấy chữ mà không thấy ý là người lắm lời, vì văn là hình thức, ý mới là nội dung. Sự việc đến đâu thì trình bày đến đó, đừng sợ người đọc không hiểu mà dàn trải, dài dòng không cần thiết.

Trong chiến tranh không cho phép nói dài. Nhờ đó đã rèn luyện cho tôi khả năng nói ngắn nhưng phải đủ ý và không thể hiểu nhầm được.

Phong cách, thương hiệu riêng

Khi ông đến nơi này, nơi kia tổng kết theo kiểu cho chữ như vậy, có khi nào ông bị phiền lòng?

Tôi hay khái quát để dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm, cũng có người thích, vẫn có người chê nhưng với tôi điều quan trọng nhất là có ích thì tôi làm, đúng thì không bao giờ lùi bước, quyết làm bằng được. Tôi không bao giờ phủ nhận mình và đánh mất những gì mình có. Tôi coi đó cũng là dấu ấn, phong cách, thương hiệu riêng của mình.

Những người hay nói dài thì dễ không thích mình nói ngắn. Tôi nghiệm ra rằng, phải rất bình tĩnh, mình là của số đông chứ không phải của tất cả. Xã hội bây giờ tình cảm khác nhau, nói khác nhau; Nhận thức khác nhau nói khác nhau; Lợi ích khác nhau nói khác nhau. Nên mình phải chấp nhận một xã hội có nhiều ý kiến khác nhau. Số đông đồng tình với mình là tốt lắm rồi.

Cấp trên có ai nhắc nhở ông về việc chưng chữ này không?

Tôi cũng có cái đáng tự hào, có thể có người thích hoặc không nhưng chưa ai phủ nhận bản lĩnh và thành quả lao động của tôi. Tôi tự nhận ra cái làm cho người khác có thể không thích là tôi dám nói những điều mà người khác né tránh. Nhiều người dặn tôi hạn chế, đừng nói thẳng thắn quá, cả vợ con cũng nhắc, nhưng tôi bảo nếu sửa cái thẳng đó đi thì đâu còn là tôi nữa.

Báo chí không có lề

Trong nhiệm kỳ bộ trưởng, ông còn được giới Bloger nhắc đến như tác giả của khái niệm “báo lề trái, lề phải”, chuyện này là thế nào?

“Một nhiệm kỳ 4 năm làm rất quyết liệt, đến giờ phút này tôi thấy mình mới chỉ giải quyết được 85% những kiến nghị đề xuất của cơ sở. Tôi nhận thấy nhà nước mình nợ địa phương, cơ sở, doanh nghiệp quá nhiều”.

Tháng 6-2011, Tôi đi Mỹ. Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco đề nghị tôi đối thoại với các báo người Việt Nam tại California. Tôi đã nhận lời bằng một cuộc đối thoại trực tuyến cởi mở, chân thành, bổ ích, thiết thực. Tôi cũng không trách Báo chí người Việt Nam ở Mỹ đưa tin chưa đúng về Việt Nam, chỉ vì họ chưa về thăm lại quê hương, nên thiếu thông tin quê nhà.

Hơn 1/3 Thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất mà các ngài chưa về Việt Nam là lỗi của các ngài. Còn 36 năm sau Giải phóng mới có những cuộc trả lời trực tuyến như hôm nay là lỗi tại những người làm thông tin truyền thông chúng tôi. Tại cuộc gặp, họ đã hỏi chuyện đó và nhiều vấn đề khác…

Ông đã trả lời họ ra sao?

Ví dụ, họ hỏi khi nào Việt Nam cho Báo chí tư nhân ra đời? Tôi trả lời: Những gì được xác định là văn minh của nhân loại, Việt Nam đều tiếp cận, chỉ có điều Việt Nam phải chọn lọc và cụ thể hóa trên mảnh đất hiện thực của mình, bằng các bước đi thích hợp như: Nâng cao dân trí về hưởng thụ và giám sát thông tin; Hoàn chỉnh luật lệ; Tăng cường tính chuyên nghiệp của người làm báo.v.v…

Còn chuyện lề trái, lề phải?

Khi họ hỏi tôi điều này. Tôi rất mừng, đây là cơ hội tốt để tôi nói lại: Tất cả mọi nghề trên thế giới muốn an toàn và tự do thì đều phải làm đúng luật, cũng như người đi bộ khi tham gia giao thông, họ sẽ tự do và an toàn nếu đi đúng lề đường bên phải, nếu đi sang phần đường xe ô tô, xe máy thì rất khó an toàn. Câu nói của tôi đầy đủ là vậy, nhưng người ta đã cắt xén, nên nhiều người không hiểu đúng ý mà tôi đã nói.

Bị cắt cúp thế sao ông không tìm một cơ hội đính chính trên báo chí trong nước?

Tính tôi rất ít nói về mình. Tôi rất tâm đắc với câu nói của một vị tướng người Nga: Người ta có thể tìm mọi cách để xuyên tạc lịch sử nhưng không ai có thể làm lại được lịch sử, dẫu sao sự thật cũng toàn thắng.

Dưới con mắt của người từng làm quản lý báo chí, quan điểm của ông về blog thế nào?

Theo tôi một xã hội có blog là một xã hội đa dạng thông tin và người ta sẽ tự lựa chọn theo sở thích và tín nhiệm của mình.

Có những lúc tôi cũng buồn, vì trong một hội nghị có người bảo Internet là công cụ của kẻ thù, tôi muốn đứng dậy nói lại nhưng vẫn phải kiềm chế, đến dịp phải trả lời chất vấn trước Quốc hội Khóa XII, tôi mới có cơ hội lý giải: Xét về mặt thông tin, internet ra đời là một bước tiến ngoạn mục của loài người. Đừng vì những mặt hạn chế mà lên án, lo toan. Cái gì cũng có 2 mặt, khai thác tốt mặt thuận, hạn chế mặt không tốt, thì mọi việc đều thành công.

Thế ông có xem blog là “lề trái” không?

Không! Tôi nghĩ nhận thức khác nhau nên nói khác nhau. Tôi tin là rồi người ta sẽ hiểu, đừng sợ người ta hiểu sai, mà phải bốp chát trên mạng. Người lãnh đạo là người phải nói đúng lúc, đúng chỗ, mềm mại, xây dựng và thuyết phục nhau bằng lý lẽ, không nên áp đặt thô bạo người khác trong nhận thức.

Làm Bộ trưởng TT&TT, có những kẻ mạo danh nhắn tin bôi nhọ mình, nhưng tôi nghĩ hàng ngày có hàng chục người nhắn tin động viên mình thì một vài người chê cũng là chuyện rất đời thường. Tôi là người bình tâm và rất cầu thị, nên luôn được nhiều người đánh giá cao.

Thôi chức: Tốt nhất chủ động

Ông có quan niệm sống khá thú vị “Lương là của vợ, nhà là của con, sức khỏe là của mình; lên chức tốt nhất là bị động, thôi chức tốt nhất là chủ động”. Ông có làm được điều đó không?

Đây là điều tôi tổng kết từ thực tiễn. Lương thì vợ cầm rồi và cũng nên để vợ quản, mình là đàn ông thì phải làm việc của đàn ông. Tôi quan niệm: Đàn ông lấy sự nghiệp làm tình yêu, đàn bà lấy tình yêu làm sự nghiệp. Khi trẻ người ta cần đàn bà để hiểu thế nào là tình yêu, khi già người ta lại cần đến tình yêu để hiểu thế nào là đàn bà. Đàn ông bắt đầu lo kể từ khi lấy vợ, đàn bà bớt lo kể từ khi lấy chồng.

Đời tôi lên chức luôn bị động, do tổ chức phân công. Từ lúc ở địa phương đến lúc ra Trung ương. Từ hồi làm ở thành Vinh, lên Tỉnh, ra Trung ương đều bị động. Khi đang làm Bí thư tỉnh uỷ (Nghệ An) thì anh Nguyễn Khoa Điềm thuyết phục ra Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương. Đang ấm chỗ ở đó thì tổ chức yêu cầu sang làm Bộ trưởng Văn hoá – Thông tin. Vừa quen việc tại Bộ Văn hóa – Thông tin lại điều chuyển sang Bộ TT&TT, bị động hết, không có lần lên chức nào được chủ động để chuẩn bị từ xa.

Thế còn thôi chức thì phải chủ động, chủ động từ trong gia đình ra ngoài đời. Mình hoàn thành tốt nhiệm vụ đến tuổi được nghỉ, được mọi người tin yêu, quý mến, lưu luyến, ghi nhận là tốt lắm rồi.

Cảm ơn ông!

Nguồn: Bá Kiên-Cao Nhật thực hiện – https://tienphong.vn/

Theo Báo giấy

Tin nổi bật