Trải qua 55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, nhân viên, người lao động đã chủ động khắc phục mọi khó khăn, thử thách, phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, xây dựng Nhà máy Z153 (Tổng cục Kỹ thuật) trở thành cơ sở sửa chữa lớn tăng thiết giáp (TTG) tuyến cuối của Quân đội ta. Đây là nền tảng quan trọng để Nhà máy tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tự lực, tự cường, đi lên từ gian khó
Vào thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ở giai đoạn gay go, quyết liệt, lực lượng TTG của Quân đội ta phát triển nhanh chóng cả về số lượng và quy mô. Nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm kỹ thuật cho lực lượng TTG chiến đấu, ngày 20-4-1968, Nhà máy Z153 được thành lập, thực hiện nhiệm vụ sửa chữa lớn các loại TTG, xe xích kéo pháo; sản xuất và phục hồi một số loại phụ tùng thay thế phục vụ sửa chữa tại chỗ và sửa chữa cơ động cho các đơn vị TTG trong toàn quân.
Tiếp nhận mặt bằng của Nhà máy sửa chữa ô tô Chiến Thắng đã bị bom đạn Mỹ tàn phá nặng nề, Nhà máy huy động hơn 5 vạn ngày công san lấp hố bom, khôi phục, cải tạo, xây mới nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền thiết bị bảo đảm cho việc thực hiện nhiệm vụ. Trải qua những năm tháng khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dù phải thực hiện nhiệm vụ sơ tán, đón nhận nhiều nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, điều kiện thiếu thốn về nhiều mặt, nhưng Nhà máy luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Nhà máy đặc biệt chú trọng, chủ động đào tạo nguồn nhân lực, nhằm bổ sung cán bộ cho Nhà máy và tăng cường cho các đội sửa chữa cơ động. Trong giai đoạn này, Nhà máy đã cử hơn 1.800 lượt cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng tham gia các đội sửa chữa cơ động bảo đảm kỹ thuật cho các quân khu, quân đoàn từ biên giới Lạng Sơn, Cao Bằng tới các tỉnh miền Nam, biên giới Tây Nam, hải đảo, làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào, Campuchia và tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.
Sau ngày đất nước thống nhất, Nhà máy Z153 tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các dây chuyền sửa chữa, sản xuất phục vụ quốc phòng; đồng thời triển khai làm kinh tế phục vụ nhiệm vụ khôi phục kinh tế của các tỉnh phía Nam. Từ năm 1986 đến nay, dù đối diện với nhiều khó khăn, nhưng tập thể lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, nhân viên, người lao động Nhà máy đã phát huy cao độ quyền tự chủ, thực hiện cơ chế hạch toán kinh doanh trong cơ chế thị trường, bảo đảm việc làm, đời sống của cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng từng bước ổn định, ngày càng nâng cao.
Chủ động đón bắt, làm chủ công nghệ hiện đại
Thực hiện chủ trương của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Đảng ủy, chỉ huy Tổng cục Kỹ thuật, Đảng ủy, Ban giám đốc Nhà máy Z153 đã cụ thể hóa, ban hành nhiều chủ trương lãnh đạo sát, đúng. Trong đó tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng sửa chữa vũ khí, trang bị (VKTB) kỹ thuật và sản xuất VKTB. Nhiều dự án được quan tâm đầu tư chiều sâu công nghệ, mà trọng tâm là các dự án: “Đổi mới công nghệ sửa chữa, hiện đại hóa xe TTG-Nhà máy Z153, Tổng cục Kỹ thuật” (giai đoạn 2014-2017); “Hoàn thiện công nghệ sửa chữa TTG-giai đoạn 2-Nhà máy Z153, Tổng cục Kỹ thuật” (giai đoạn 2021-2024),… đã tạo những bước tiến mới cho Nhà máy trong quá trình làm chủ công nghệ hiện đại.
Tính đến nay, Nhà máy đã làm chủ nhiều công nghệ hiện đại; đồng thời đầu tư, tiếp nhận nhiều trang thiết bị hiện đại, thay thế dần các trang thiết bị cũ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sửa chữa, năng lực cải tiến, hiện đại hóa xe TTG. Nhà máy có 7 dây chuyền sửa chữa, cải tiến và sản xuất vật tư kỹ thuật xe TTG với hàng nghìn trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu sửa chữa lớn hầu hết các chủng loại xe TTG biên chế trong Quân đội.
Không chỉ vững vàng làm chủ công nghệ, trang thiết bị hiện đại, Nhà máy còn đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất hàng nghìn mặt hàng vật tư kỹ thuật phục vụ quá trình thực hiện nhiệm vụ. Hằng năm, Nhà máy có 50-60 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được nghiệm thu, ứng dụng vào nâng cao năng suất, chất lượng sửa chữa VKTB kỹ thuật, sản xuất vật tư kỹ thuật…
Để làm chủ, khai thác hiệu quả công nghệ và trang thiết bị được đầu tư, Đảng ủy, Ban giám đốc Nhà máy chú trọng lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân viên có đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, theo phương châm “Giỏi một việc, biết nhiều việc”. Nhà máy đã chủ động tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện và bồi dưỡng cán bộ, nhân viên, công nhân kỹ thuật để nâng cao tay nghề, nắm vững công nghệ; triển khai, thực hiện nền nếp, hiệu quả hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị; xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, làm nòng cốt xây dựng Nhà máy vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”.
Đặc biệt, Nhà máy luôn chủ động phối hợp với các trung tâm nghiên cứu trong và ngoài Quân đội triển khai công nghệ sản xuất, phục hồi các loại phụ tùng xe TTG phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ sửa chữa VKTB kỹ thuật, tham gia sản xuất vật tư kỹ thuật và nhiều sản phẩm kinh tế phục vụ các ngành kinh tế quốc dân (sản lượng hàng hóa hằng năm chiếm 25-30% tổng giá trị sản lượng hàng hóa của Nhà máy). Nhiều sản phẩm tham gia các hội chợ, triển lãm đoạt huy chương, tạo uy tín và thương hiệu hàng hóa của Nhà máy Z153.
Phát huy truyền thống và những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Nhà máy Z153 tiếp tục đổi mới sáng tạo, tự lực, tự cường đầu tư, nâng cao tiềm lực kỹ thuật-công nghệ, thực hiện thành công Dự án “Hoàn thiện công nghệ sửa chữa TTG-giai đoạn 2-Nhà máy Z153, Tổng cục Kỹ thuật” và các dự án trọng điểm; đẩy mạnh hợp tác, phối hợp với các chuyên gia trong và ngoài nước trong cải tiến, hiện đại hóa xe TTG trong Quân đội ta.
Trải qua 55 năm xây dựng và trưởng thành, với những thành tích đã đạt được, Nhà máy Z153 được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân (năm 2013) và nhiều phần thưởng cao quý khác. |
Nguồn: Đại tá NGUYỄN VĂN THẮNG
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty TNHH MTV 153 – Chiến Thắng, Tổng cục Kỹ thuật
https://www.qdnd.vn/