GS.TS. Trần Đình Hòa – Đam mê và lăn lộn với nghiên cứu khoa học thủy lợi

Trải qua hơn 30 năm với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, được đón nhận danh hiệu cao quý là GS, giải thưởng Hồ Chí Minh và nhiều giải thưởng khác,….GS.TS Trần Đình Hòa – Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã giành trọn cuộc đời mình với những công trình và giải pháp phát triển ngành Thủy lợi nước nhà.

GS Trần Đình Hòa sinh năm 1970 trong một gia đình nông dân nghèo ở Can Lộc (Hà Tĩnh). Ngày nhỏ, ngoài một buổi đi học, một buổi ông theo cha đi kéo xe, khuân vác nơi bến cảng gần nhà. Làm ruộng, làm thuê đủ nghề vất vả nhưng bố mẹ ông vẫn cố gắng để 6 con học đến đại học.

Đặc biệt, miền Trung, năm nào cũng diễn ra cảnh hạn hán rồi bão lũ khiến ông trăn trở phải làm được gì đó giúp quê hương. Đó cũng chính là lý do khiến ông Hòa thi vào Đại học Thủy lợi. Năm 1992, sau khi tốt nghiệp, ông về công tác tại Viện Khoa học Thủy lợi (nay là viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam).

Số phận gắn với Thủy lợi

Trải qua hơn 30 năm với niềm đam mê và lăn lộn với công tác nghiên cứu khoa học (NCKH), ứng dụng và chuyển giao công nghệ, với những năm tháng miệt mài và tận tâm với nghề, GS.TS Trần Đình Hòa đã cùng các đồng nghiệp đạt được một số kết quả bước đầu mang lại lợi ích thiết thực nhất định cho ngành Thuỷ lợi của nước nhà. Giải thưởng cao quý nhất của nhà nước mà GS Trần Đình Hòa (đồng tác giả) là Giải thưởng Hồ Chí Minh “Đặc biệt xuất sắc về Khoa học Công nghệ” cho Cụm công trình: Ngăn sông đập Trụ đỡ và đập Xà lan, năm 2012.

Giải nhất trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn – Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2023 cho công trình Nghiên cứu các giải pháp khoa học, công nghệ mới trong thiết kế công trình thuộc Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé. Sáng kiến này tiết kiệm chi phí xây dựng hạng mục tường tiêu năng cho cống khoảng 25-35% so với giải pháp thi công bằng cừ. Ngoài ra còn tiết kiệm chi phí khi rút ngắn thời gian thi công phải điều tiết giao thông thủy. Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng đã áp dụng sáng kiến điều chỉnh vị trí tuyến âu thuyền từ giữa sông về gần bờ cống Cái Lớn, giúp giảm thiểu 40% giá thành hạng mục biện pháp thi công.

GS Trần Đình Hòa – Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Là thành viên 5 Bằng độc quyền sáng chế (đứng đầu 3 bằng độc quyền). Trong đó, đặc biệt là 2 công nghệ nổi bật mà cá nhân là đồng tác giả: Công nghệ Đập Xà lan di động đã được cấp bằng sáng chế độc quyền số 6148; Công nghệ Đập trụ đỡ đã được cấp bằng sáng chế độc quyền số 6601. Là 2 công nghệ đã đạt giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam.

Đam mê và lăn lộn với nghiên cứu khoa học

Trong nghiên cứu khoa học hay bất cứ ngành nghề nào khác GS Hòa quan niệm có thành công đều phải có lòng đam mê với nghề, tâm huyết với nghề, làm việc nhiệt tình có trách nhiệm. Đặc biệt trong nghiên cứu khoa học phải hết sức trung thực, khách quan và kiên trì.

GS Hòa cho biết: “ Cụm công trình “Ngăn sông đập trụ đỡ và đập xà lan” (đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012 ) và các đồng sự có ý nghĩa kinh tế – xã hội rất lớn. Việc hạ chìm đập xà lan di động sẽ tạo ra các “hồ chứa” bằng việc ngăn các cửa sông lớn để giữ nước ngọt, chống xâm nhập mặn, không cần thi công “cứng” gây mất đất, không phải tốn kém giải phóng mặt bằng như trước đây”.

Và sau 2 năm kiên trì mày mò, cả nhóm đã hạ xà lan thành công. Kể cả sau này, khi ứng dụng thành công, mức đầu tư kinh phí giảm tới 30-40%, không phải di dời dân như trước, làm lợi rất lớn cho đất nước, nhưng lại động chạm tới nhiều vấn đề tế nhị trong xây dựng, giữa cái mới và cái cũ, khiến họ vẫn gặp không ít khó khăn. Kể về công trình để đời này, GS Hòa nhớ lại những ngày đầu thực hiện. Có những lúc, cả nhóm tưởng như bế tắc hoàn toàn. Thế là hàng đêm, thức đến 2 -3h sáng, ông vò đầu bứt tai tìm lời giải… Ai cũng đều có cùng suy nghĩ: Công trình sẽ thành công và quyết không bỏ cuộc.

Nghiên cứu ứng dụng kết cấu cống lắp ghép trong xây dựng công trình thủy lợi ở ĐBSCL

Bênh cạnh công trình đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh, GS Hòa còn có hàng loạt công trình đạt giải thưởng như: Chiến sỹ thi đua toàn Quốc; 02 Giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam (nhóm nghiên cứu); Nhà Khoa học của Nhà Nông;  Giải thưởng Khoa học công nghệ Cơ học Thủy khí Vũ Tất Uyên cho công trình nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ cho hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé nhằm phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Giải nhất trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn – Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2023 cho công trình Nghiên cứu các giải pháp khoa học, công nghệ mới trong thiết kế công trình thuộc Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé; Sáng kiến phạm vi ảnh hưởng cấp toàn quốc: Nghiên cứu cấu tường tường tiêu năng cho công trình ngăn sông bằng kết cấu phao rỗng lắp đặt trong nước; ….

Đặc biệt, GS Trần Đình Hòa với những nghiên cứu khoa học của mình đã được cấp 05 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích; Đã công bố các công trình khoa học công nghệ trên 70 bài báo khoa học công nghệ trong nước, 10 bài báo quốc tế và 05 Hội nghị quốc tế. Ông là người hướng dẫn chính của 05 nghiên cứu sinh và đã có quyết định cấp bằng. Đồng thời, GS Hòa cũng chính là người chủ biên, tham gia và đồng tác giả 07 cuốn sách, ngoài ra còn chủ biên 03 cuốn sách chuyên khảo, 01 giáo trình đào tạo sau Đại học…

Năm 2013, ông được phong hàm Giáo Sư vì có nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị. Không chỉ là vị Giáo sư trẻ tuổi nhất mà ông Trần Đình Hòa còn là người đạt kỷ lục ít tuổi nhất khi được phong hàm Giáo sư trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật đến năm 2013.

Luôn cống hiến hết mình cho công việc, cho nghiên cứu khoa học và mang lại nhiều lợi ích cho ngành thủy lợi nói riêng cũng như ngành nông nghiệp và người dân nông thôn nói chung nhưng GS Hòa vẫn luôn trăn trở – đó là làm sao để hạn chế tối đa những thiệt hại về người và của trong lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, thiên tai – đó là phải làm sao cho “Đất và Nước” được hài hòa tạo ra hiệu quả, mang lại lợi ích cao nhất như lời Bác Hồ đã dạy. Tất nhiên, đây không phải là vấn đề đơn giản có thể giải quyết được trong một sớm, một chiều – nhưng với những đóng góp, những nghiên cứu đầy tính ứng dụng thực tiễn của GS Hòa và các đồng sự thì vấn đề này chắc chắn sẽ sớm được có những giải pháp thiết thực.

Tin nổi bật